QLBV rừng 19/03/2024:11:01:40
Kiểm lâm Thanh Hóa chủ động triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa nắng nóng năm 2024
Thanh Hóa có trên 647.437 ha rừng, gồm 393.361 ha rừng tự nhiên và 254.076 ha rừng trồng. Trong đó có trên 10.000 ha rừng trồng thông tập trung tại khu vực đồng bằng ven biển và 50.236 ha rừng hỗn giao Gỗ Nứa, rừng Le, Vầu tại các huyện miền núi phía Tây của tỉnh, đây là những khu vực có thực bì dày, khô nỏ; cộng với thời tiết trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số đợt nắng nóng, khô hạn kéo dài, đặc biệt tại các huyện miền núi phía Tây; do đó nguy cơ cháy rừng rất cao.

         Trước tình hình trên, để thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), chủ động trong mọi tình huống cháy rừng có thể xảy ra, ngay từ đầu năm Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành các văn bản chỉ đạo PCCCR trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp về PCCCR, như: Rà soát, ban hành đầy đủ hệ thống phương án, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo trong công tác PCCCR; tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền về PCCCR, đặc biệt trong dịp trước Tết nguyên đán Giáp Thìn tại các khu vực trọng điểm, nguy cơ cháy rừng cao; rà soát, xác định diện tích rừng có nguy cơ cháy cao được trên 42.000 ha tại 145 xã, phường trên địa bàn 25 huyện, thị xã, thành phố, từ đó tổ chức quản lý chặt chẽ các nguyên nhân cháy rừng ở từng khu vực; xác định được 54 vị trí trực gác lửa rừng tại khu vực rừng trồng Thông thuộc các huyện Hà Trung, Thạch Thành, Như Thanh, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn; thực hiện làm giảm vật liệu cháy dưới tán rừng được 35 ha, làm mới và tu sửa đường băng cản lửa được 23,0 km; duy trì thực hiện nghiêm túc chế độ trực chỉ huy PCCCR huyện đến các xã, đơn vị chủ rừng nhà nước và trực gác tại 54 điểm canh gác lửa rừng ở các khu vực trọng điểm khi dự báo cháy rừng từ cấp IV trở lên; thường xuyên dự báo, thông tin cấp cháy rừng trên địa bàn để các địa phương, đơn vị chủ động thực hiện các biện pháp PCCCR; đồng thời chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng, trong đó cấp huyện trên 3.734 người, cấp xã/chủ rừng 12.036 người, cấp thôn (bản) 40.596 người; 24.997 phương tiện các loại và 45.829 máy móc, thiết bị, dụng cụ chữa cháy rừng khác.

         Trong 3 tháng đầu năm 2024 mặc dù thời tiết trên địa bàn tỉnh có nhiều thời điểm diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng rất cao, nhưng do triển khai đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm ở tất cả các cấp, các ngành, các chủ rừng; các nguyên nhân cháy rừng được kiểm soát chặt chẽ, các vụ cháy rừng, cháy thực bì trên địa bàn được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, đã hạn chế thấp nhất thiệt hại về rừng do cháy rừng gây ra.

         Trong thời gian tới, theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và Cục Kiểm lâm, thời tiết trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ nắng nóng gay gắt, kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Để chủ động các biện pháp PCCCR, quản lý chặt chẽ các nguy cơ cháy rừng, giảm thiểu tối đa cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chi cục Kiểm lâm đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện, như:

         Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCCR; đặc biệt đối với người dân thuộc các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao và các hộ gia đình canh tác nương rẫy giáp ranh với các khu rừng. Thường xuyên thông báo cấp dự báo cháy rừng trên Đài Phát thanh và Truyền hình huyện, hệ thống loa phát thanh của xã, thôn (bản), tuyên truyền lưu động và các hình thức khác nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR của chủ rừng, nhân dân trên địa bàn.

         Bám sát địa bàn để tham mưu cho chính quyền địa phương kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các thôn (bản), chủ rừng thực hiện quyết liệt các biện pháp PCCCR; Quản lý chặt chẽ các nguyên nhân gây cháy rừng ở từng khu vực, như: Dùng lửa để xử lý thực bì trồng rừng, làm nương rẫy, vệ sinh rừng sau khai thác, đốt dọn vệ sinh vườn, đốt bãi rác...; sử dụng lửa săn bắt, đốt ong, hóa vàng mã tại các đền chùa, nghĩa trang, nghĩa địa, trong các lễ hội, khu vui chơi giải trí, tham quan, du lịch sinh thái trong, ven rừng và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng; phát hiện sớm các mâu thuẫn trong nhân dân, tập trung giải quyết dứt điểm để ngăn chặn tình trạng cố ý đốt rừng.

         Tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, kiểm tra việc thực hiện công tác PCCCR tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao để kịp thời phát hiện sớm lửa rừng. Đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đốt nương rẫy, đốt dọn vệ sinh đồng ruộng giáp ranh các khu rừng, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng và làm giảm vật liệu cháy trong rừng đảm bảo theo đúng quy định tại khoản 3, Điều 47 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.

         Tham mưu duy trì nghiêm túc chế độ trực chỉ huy PCCCR từ tỉnh đến huyện, xã và chủ rừng nhà nước trong thời gian nắng nóng, nguy cơ cháy rừng cao; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, dụng cụ, hậu cần để chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ để tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra./.

Một số hình ảnh về công tác phòng cháy chữa cháy rừng

 (Làm giảm vật liệu cháy dưới tán rừng tại huyện Hà Trung).

Tác giả: Vũ Ngọc Luật – Phòng QLBVR
Số lượt đọc : 152 - Cập nhật lần cuối: 19/03/2024 11:03:40 AM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành