Tin tức - Sự kiện 22/05/2023:16:59:02
Giữ vững niềm tin

             Ngày 21 tháng 5 hằng năm là ngày hội truyền thống của lực lượng Kiểm lâm Việt Nam. Một phần hai thế kỷ đã trôi qua, các thế hệ cán bộ Kiểm lâm Thanh Hóa rất tự hào với những thành tựu đã đạt được, có quyền ngẩng cao đầu để hòa nhập trong đại gia đình Kiểm lâm cả nước.

             50 năm - lịch sử đi qua những khúc thăng trầm nhưng thành tích, truyền thống vẻ vang của ngành vẫn là một dòng chảy không ngừng, xuyên suốt, khẳng định Kiểm lâm là một công cụ không thể thiếu của Đảng và Nhà nước, là chỗ dựa vững chắc của chủ rừng, là yếu tố vô cùng quan trọng trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ, phát triển rừng - sự nghiệp này to lớn, quan trọng đến mức cả loài người đang phải quan tâm, lo lắng vì nó liên quan đến sự tồn vong của trái đất này.

             Kiểm lâm - tuổi 50 tràn đầy năng lượng, hội tụ đủ các tố chất quan trọng: vừa sôi nổi, bình tĩnh, mặn mà, vừa từng trải, tự tin, sâu sắc. Lực lượng Kiểm lâm của chúng ta đã trưởng thành từ không đến có, từ yếu đến mạnh, từ thô sơ đến hiện đại. Bằng kết quả công việc cụ thể, Kiểm lâm Thanh Hóa đã tô thắm lá cờ truyền thống bằng những thành tựu mà năm tháng không thể phai mờ, tạo được niềm tin của cấp ủy, chính quyền, chủ rừng và đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

             Chúng ta đã dẫn đầu cả nước về công cuộc giao đất, giao rừng. Đây là cuộc cách mạng về chuyển đổi phương thức quản lý rừng từ quốc doanh thuần túy sang lâm nghiệp xã hội, nghề rừng nhân dân. Đã đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ tin học, số hóa bản đồ, sử dụng công nghệ vệ tinh phát hiện cháy rừng, sử dụng bản đồ số phục vụ theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp; dẫn đầu cả nước về ứng dụng công nghệ sinh học trong việc chế tạo, sử dụng sinh phẩm phòng chống sâu róm hại rừng thông. Là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng và thực hiện thành công đề án đổi mới tổ chức quản lý bảo vệ rừng theo hướng xã hội hóa với điểm nhấn là đưa kiểm lâm viên về xã, về bản. Là tỉnh sớm hình thành tư duy chiến lược về an ninh rừng bền vững với việc ra đời vườn quốc gia và 03 khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn; là tỉnh dẫn đầu cả nước về công tác đấu tranh chổng buôn lậu lâm sản mà điển hình là đội kiểm lâm cơ động số 1 lừng danh một thời; được mệnh danh là quả đấm thép của lực lượng kiểm lâm khu vực miền trung, là nỗi sợ hãi kinh hoàng của bọn lâm tặc từ nam ra bắc; là đơn vị đầu tiên thực hiện tiêu chuẩn tuyển dụng công chức phải đạt trình độ chuyên môn từ đại học trở lên ngay từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước,... Có thể nói 50 năm qua Kiểm lâm Thanh Hóa đã làm được nhiêu việc lớn có hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, môi trường, có sức thuyết phục lòng người, có tác động tích cực và có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thúc đây sự phát triển của ngành lâm nghiệp tỉnh nhà, đóng góp được nhiều kinh nghiệm quý báu cho lực lượng Kiểm lâm cả nước.

             Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích vẻ vang đã đạt được, chúng ta vẫn còn những tồn tại hạn chế trên một số lĩnh vực. Nếu bình tĩnh xem xét lại quá khứ và hiện tại một cách thấu đáo, chúng ta vẫn còn những hạt sạn, những điểm đen lúc đậm, lúc nhạt, mà thời kỳ nào cũng có.

             Bước vào thời kỳ mới, thời kỳ phát triển lâm nghiệp 4.0, nhiệm vụ của kiểm lâm rộng lớn hơn, nặng nề hơn, yêu cầu khắt khe hơn trước đây rất nhiều. Nhiệm vụ của Kiểm lâm bao gồm toàn bộ nội hàm chu trình hoạt động của lâm nghiệp. Từ khâu quy hoạch, thiết kế tạo giống, bố trí cơ cấu cây trồng, trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh, phòng chống cháy rừng, đến khai thác, chế biến, tiêu thụ tài nguyên lâm sản, đấu tranh ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng và đất rừng, đảm bảo an ninh bền vững cho 3 loại rừng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Đó là mục tiêu chiến lược, là quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Như vậy, sản phẩm lao động mà Kiểm lâm tạo ra không chỉ là kinh tế, hàng hóa mà cao cấp hơn là chất lượng môi trường sống, không khí, nguồn nước, giảm thải CO2, chống biến đổi khí hậu toàn cầu, đảm bảo sự an toàn của hành tinh. Mục tiêu, nhiệm vụ này đã được Thủ tướng Chính phủ long trọng cam kết tại Hội nghị Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

             Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ được giao, chắc chắn lực lượng kiểm lâm chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về hành chính, pháp luật, kỹ thuật, nguồn lực, cơ chế chính sách, năng lực vận hành. Ở đây, tôi xin được trao đổi, tâm sự đôi điều về 04 vấn đề nằm trong hệ thống các giải pháp mà cơ quan đã và đang thực hiện:

             Một là: Phải tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Kiểm lâm cho phù họp với chức năng là cơ quan tham mưu quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật. Nội hàm quản lý nhà nước và tồ chức thi hành pháp luật là cốt lõi để xác lập mô hình tổ chức bộ máy. Vì vậy cần rà soát lại tổ chức bộ máy từ Chi cục đến cơ sở để đề xuất mô hình tổ chức, cơ cấu, bộ máy, xác định chức năng, nhiệm vụ và bố trí biên chế cán bộ phù hợp. Những bộ phận nào, đơn vị nào không còn phù hợp với tình hình hiện tại thì kiên quyết sát nhập, giải thể. Một cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật như hạt Kiểm lâm huyện phải đảm bảo đủ các yếu tố và yêu cầu cần thiết như: chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, địa vị pháp lý, biên chế, tài chính, cơ sở vật chất. Cơ quan Kiểm lâm cấp hạt, cấp trạm không thể làm thay nhiệm vụ cho chính quyền sở tại. Công chức, viên chức kiểm lâm không phải là người gác rừng thay cho chủ rừng. Phải làm rõ nội hàm quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật để đánh giá quyền lực, vị thế, hiệu quả công tác của Kiểm lâm và có chính sách ứng xử hợp lý.

             Hai là: Phải đặc biệt coi trọng công tác cán bộ, đây là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại trong công việc.

                           Bác Hồ dạy:   “Vì lợỉ ích mười năm thì phải trồng cây

                                                   Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

             Như vậy, trồng cây thì dễ nhưng trồng một con người thì không dễ, nhất là con người đó lại là cán bộ. Muốn có cán bộ tốt phải thật sự quan tâm từ khâu tuyển dụng, rồi trải qua thực tiễn công việc, thử thách, quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng. Đội ngũ cán bộ Kiểm lâm cần có kiến thức chuyên sâu về lâm nghiệp, pháp luật, quản lý kinh tế,... cần quan tâm bồi dường, đào tạo, sử dụng những cán bộ có năng lực, biết tham mưu hiến kế, biết tả xung hữu đột, dám xả thân vào công việc trong lúc khó khăn, nhất là người đứng đầu các đon vị trực thuộc phải đảm bảo đủ tầm, hiểu sâu công việc, có khả năng tập hợp quần chúng, có uy tín với cấp ủy, chính quyền và nhân dân sở tại, có năng lực quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đối với những cán bộ năng lực yếu, trách nhiệm không cao, chỉ nặng hình thức như đi nhẹ, nói nhỏ, cười tươi, lúc vui thì vỗ tay, lúc khó khăn thì im lặng, có lẽ không còn thích ứng trong cơ chế hiện hành.

             Quá khứ trước đây, chúng ta đã có những lớp cán bộ vàng, tin rằng với đội ngũ cán bộ vững mạnh hiện nay, trong thời gian tới chúng ta sẽ có nhiều lớp cán bộ vàng tỏa sáng trên nhiều lĩnh vực.

             Ba là: Phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí, thượng tôn pháp luật, trên dưới một lòng. Toàn lực lượng phải là một khối đoàn kết thống nhất, trong đó lãnh đạo Chi cục là nhân, đồng chí Chi cục trưởng là nhân của nhân, cấp trên thương yêu cấp dưới, cấp dưới tin tưởng và quý trọng cấp trên, sống với nhau thật vô tư cho đời thêm thanh thản. Suy ngẫm lời dạy của Bác Hồ: “Năm ngón tay có ngón ngắn, ngón dài. Ngón ngắn, ngón dài đều hợp lại ở nơi bàn tay”. Đó là đạo lý, là lẽ sống, là động lực để khơi dậy sức mạnh.

             Bốn là: Kiểm lâm phải làm tốt chức năng là cơ quan tham mưu cho cấp ủy và chính quyền, là chỗ dựa vững chắc của chủ rừng, quan hệ mật thiết với nhân dân sở tại. Nếu thực hiện tốt, các mối quan hệ này sẽ tạo ra sự đồng thuận cao, cả hệ thống chính trị vào cuộc, biến sức mạnh đơn phương thành sức mạnh tổng hợp. Trong các mối quan hệ ấy, phải đặt chủ rừng vào vị trí trung tâm, bởi vì chủ rừng là chủ thể, các quan hệ khác là khách thể.

             Người xưa dạy rằng: “Nói thì dễ nhưng làm thì khó”. Đúng là khó thật, vô cùng khó. Tài sản cất giữ trong két sắt có thể vẫn bị mất trộm, huống chi cây rừng sống trong rừng mênh mông, bao la. Mong sao xã hội nhìn nhận chi tiết hơn, thấy được những khó khăn mang tính đặc thù trong hoạt động lâm nghiệp, để thông cảm hơn, chia sẻ nhiều hơn, giúp cho kiểm lâm giảm bớt suy tư, tăng thêm hưng phấn.

             Chúng ta - Kiểm lâm - tuổi 50 tràn đầy năng lượng. Hãy giữ vững niềm tin, vững bước tiến lên trên con đường đổi mới./.

Tác giả: Hồ Quang Khải - Nguyên Phó chi cục trưởng Kiểm lâm Thanh Hóa
Số lượt đọc : 423 - Cập nhật lần cuối: 22/05/2023 04:05:02 PM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành