QLBV rừng 06/12/2016:13:35:31
Chính sách tăng cường hiệu quả kinh tế từ trồng rừng thâm canh gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Công tác phát triển rừng những năm qua, được cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội quan tâm chỉ đạo. Các chương trình dự án trồng rừng được triển khai thực hiện hiệu quả; cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng được đầu tư; các hệ thống tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh, chế biến lâm sản được sắp xếp củng cố, tạo động lực cho người dân tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng; diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh không ngừng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước.

Trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh đã trồng mới được 54.538 ha rừng, nâng diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh lên 189.904 ha (năm 2015). Tuy diện tích và sản lượng gỗ rừng trồng sản xuất tăng trong thời gian qua, nhưng chủ yếu vẫn áp dụng phương thức trồng rừng kinh doanh gỗ nhỏ, chu kỳ trồng rừng từ 5 đến 7 năm, để làm nguyên liệu giấy và gỗ dăm, giá trị kinh tế thấp.

Mô hình trình diễn trồng rừng gỗ lớn tại Thanh Hóa

Nhằm khắc phục những hạn chế trên và nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng trồng theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sản phẩm gỗ chế biến từ rừng trồng, tạo nguồn nguyên liệu gỗ lớn tập trung, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ngày 27/10/2016, UBND Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4170/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án trồng rừng kinh doanh gỗ lớn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, hình thành và phát triển ổn định vùng kinh doanh gỗ lớn với quy mô 55.932 ha, trong đó: Chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng rừng trồng gỗ lớn hiện có 30.500ha; chuyển hóa trồng rừng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn 5.173ha và trồng rừng gỗ lớn 20.259ha (gồm trồng rừng gỗ lớn trên đất trống 8.819 ha, trồng rừng gỗ lớn trên diện tích cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt 8.940ha, trồng cây phân tán 3,75 triệu cây tương đương 2.500 ha). Để thực hiện đề án hiệu quả, song song với các giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về hiệu quả kinh tế của trồng rừng gỗ lớn; quy hoạch lâm nghiệp phù hợp với thế mạnh của từng địa phương; đầu tư nghiên cứu, khảo nghiệm các loài giống, cây trồng có năng suất cao; tổ chức đào tạo, tập huấn và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về thâm canh rừng gỗ lớn, các mô hình nông lâm kết hợp hiệu quả; khuyến khích xây dựng các cơ sở sản xuất sau dăm gỗ như ván MDF, vắn dăm… Đề án đã đưa ra giải pháp then chốt tạo động lực cho người trồng rừng tiếp cận nhanh phương thức trồng rừng thâm canh gỗ lớn đó là giải pháp về vốn đầu tư và các chính sách khuyến khích phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung các nội dung như: Hỗ trợ kinh phí chuyển hóa rừng trồng kinh doanh nguyên liệu gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn; hỗ trợ kinh phí cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đối với rừng trồng gỗ lớn để nâng cao giá trị gia tăng và tiếp cận dần với thị trường thế giới; hỗ trợ xây dựng đường lâm nghiệp tại các vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, tập trung; xây dựng mô hình thí điểm về mua bảo hiểm đối với rừng trồng kinh doanh gỗ lớn; huy động và gắn kết các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ, phát triển rừng và trồng rừng gỗ lớn; phối hợp với Ngân hành chính sách - xã hội tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện hiệu quả chính sách vay vốn trồng rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế chính sách bảo vệ, phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh bền vững…

Trồng rừng kinh doanh gỗ lớn là xu hướng phát triển tất yếu, đang và sẽ là hướng đi đúng, nâng cao đời sống của người dân, nhất là người dân miền núi, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển và ổn định an ninh rừng theo chiều hướng bền vững.

Tác giả: Nguyễn Đăng Quy
Số lượt đọc : 852 - Cập nhật lần cuối: 06/12/2016 01:12:31 PM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành