QLBV rừng 11/04/2023:11:11:06
Thanh Hóa triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.
Sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chuyển biến rõ nét trong công tác QLBV&PTR:

         Trong 05 năm qua, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Sở nông nghiệp và PTNT tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Các cấp, các ngành, các địa phương đã cụ thể hoá, tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chỉ thị, từ đó đạt được những kết quả quan trọng trong các lĩnh vực, gồm:

         Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện thường xuyên, trong giai đoạn 2017-2022, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã tổ chức 8.389 hội nghị, 244 lớp tập huấn, 23.400 lượt phát sóng trên đài thanh, truyền hình, tổ chức 1.176 cuộc mít tinh cùng nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng.

         Bộ máy quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp được củng cố, kiện toàn; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triến lâm nghiệp được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, triển khai thực hiện hiệu quả; đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; lực lượng Kiểm lâm được củng cố với 554 biên chế; các đơn vị chủ rừng đã thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; các địa phương đã rà soát, củng cố, kiện toàn 252 trung đội dân quân tự vệ, duy trì hoạt động 1.600 tổ đội bảo vệ rừng. Tỉnh đã chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện, triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách như: chính sách về giao đất, giao rừng, khoán rừng; hỗ trợ, khuyến khích phát triển vùng luồng thâm canh, trồng rừng thâm canh gỗ lớn, thực hiện chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC..., tạo điều kiện để thực hiện tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

         Công tác kiểm tra, giảm sát, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp được thực hiện nghiêm túc: trong 5 năm qua, lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm tra và xử lý 2.446 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, giảm 2.578 vụ so với giai đoạn 2011 - 2016. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả; số vụ cháy rừng giảm 22 vụ, diện tích rừng bị thiệt hại giảm 124,6 ha so với giai đoạn 2011 - 2016.

         Công tác chuyển mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định: Tổng diện tích đất rừng chuyển mục đích sử dụng giai đoạn 2017 - 2022 là 1.642,94 ha, trong đó có 550,85 ha rừng tự nhiên và 1.092,09 ha rừng trồng; các dự án chuyển mục đích sử dụng đất rừng đã được phê duyệt phưong án trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định, trong giai đoạn đã thu nộp tiền trồng rừng thay thế được 57,8 tỷ đồng, tổ chức trồng rừng thay thế được 2.204,05 ha; thực hiện nghiêm việc chuyển diện tích rừng tự nhiên sang mục đích sử dụng khác, không có các công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sai phạm bị đình chỉ, thu hồi.

         Công tác phát triển rừng, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, phát triển kinh tế rừng được đẩy mạnh: Giai đoạn 2017 - 2022, toàn tỉnh đã trồng được 64.723 ha rừng tập trung, trên 19 triệu cây phân tán các loại, trồng mới 532,5 ha rừng ngập mặn, khoanh nuôi tái sinh 11.613 ha rừng phòng hộ; nâng độ che phủ của rừng trên địa bàn lên 53,6% năm 2022, tăng 0,57% so với năm 2017. Tích cực phát triển trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, thâm canh tre luồng, bình quân hằng năm trồng trên 3.500 ha rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn trên 700 ha; phát triển được 230.453 ha rừng trồng sản xuất, 128.000 ha tre, luồng; hàng năm khai thác trung bình 680.000 m3 gỗ rừng trồng, 60 triệu cây luồng. Hiện trên toàn tỉnh hiện có 178 doanh nghiệp, nhà máy chế biến gỗ, 57 cơ sở sản xuất, chế biến tre, luồng; giá trị sản xuất gỗ và các sản phẩm từ lâm sản của tỉnh tăng dần qua từng năm (năm 2017 đạt 1.616 tỷ đồng, đến năm 2022 đạt 2.083 tỷ đồng, bình quân tăng 5,2%/năm).

         Với mục tiêu tiếp tục bảo vệ an toàn diện tích rừng tự nhiên hiện có, hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng, không để cháy rừng xảy ra trên diện rộng; làm tốt công tác phòng chống chặt phá rừng, không để xảy ra các điểm nóng về khai thác, phá rừng, xâm lấn rừng trái phép; giảm dần số vụ phá rừng qua các năm và ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời thực hiện hiệu quả công tác phát triển rừng, tăng năng suất, chất lượng rừng trồng theo hướng sản xuất gỗ lớn, bền vững về môi trường và thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, các chính sách phát triển lâm nghiệp trên địa bàn. Trong thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa xác định cần tập trung tham mưu chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau:

         Tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW, Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ và các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về bảo vệ và phát triển rừng; tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR; thực hiện đầy đủ các chính sách để duy trì ổn định diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn.

         Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân, chủ rừng đối với công tác QLBV&PTR; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất lâm nghiệp của người dân theo hướng bền vững.

         Phát huy hơn nữa vai trò kiểm tra, giám sát của cấp ủy, HĐND các cấp và của người dân, cộng đồng, các đoàn thể đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan đơn vị trong công tác QLBV&PTR; kiểm tra, đôn đốc chủ rừng thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của chủ rừng trên diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao.

         Tiếp tục thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, tạm dừng việc khai thác tận thu, tận dụng, cải tạo rừng tự nhiên ghèo kiệt để ưu tiên áp dụng các biện pháp khoanh nuôi, phục hồi rừng, duy trì diện tích rừng tự nhiên hiện có; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác; làm tốt công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng thay thế, các chương trình dự án trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn.

         Tham mưu chỉ đạo rà soát lại các chính sách đầu tư, hỗ trợ hoạt động sản xuất lâm nghiệp hiện nay theo hướng quản lý bền vững gắn với chứng chỉ rừng FSC; xã hội hóa sâu công tác phát triển rừng, sử dụng rừng, trọng tâm là khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân tích tụ đất đai, liên kết trong sản xuất, liên kết với các cơ sở chế biến và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; đầu tư hỗ trợ thu hút doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực khai thác, chế biến tinh gỗ rừng trồng gắn với sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị phục vụ trong nước và xuất khẩu để nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế của rừng trồng.

         Tiếp tục tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ theo phương châm xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng; đầu tư nâng cao năng lực cho lực lượng Kiểm lâm để trở thành lực lượng nòng cốt tham mưu, tổ chức thực hiện công tác QLBV&PTR; chỉ đạo thực hiện tốt công tác phối hợp giữa lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng và các lực lượng khác với Kiểm lâm, chính quyền địa phương trong công tác QLBV&PTR và công tác hợp tác, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn./.

  Một số hình ảnh về công tác quản lý BVR, PCCCR

 Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thanh Hóa kiểm tra công tác BVR, PCCCR tại thị xã Nghi Sơn 

 Tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng và xử dụng các loại máy phòng cháy chữa cháy rừng 

 

Phối hợp tuyên truyền, diễn tập chữa cháy rừng tại huyện Hà Trung

 

 

 

Tác giả: Lê Xuân Cải - Trưởng phòng QLBVR
Số lượt đọc : 290 - Cập nhật lần cuối: 11/04/2023 11:04:06 AM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành