Bảo tồn thiên nhiên 12/06/2024:08:45:25
Bảo tồn và phát triển loài cây Quýt Hôi ở vùng núi cao huyện Bá Thước – Thanh Hóa.

          Quýt hôi (hay còn gọi là quýt hoi) là loài cây bản địa, mọc tự nhiên trên sườn núi cao thuộc núi rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và các thôn, bản ở huyện Bá Thước. Quýt hôi có tên tiếng Thái cổ là “pén hoi”, vùng Pù Luông gọi là “nghia hoi”. Pén - có nghĩa là quýt, hoi là ốc. Gọi là quýt ốc, vì có đặc điểm quả nhỏ, vỏ hơi sần sùi, có gai như vỏ ốc. Đặc biệt, người dân tộc Thái, dân tộc Mường ở vùng Pù Luông khi nấu canh ốc, nhất thiết phải có lá quýt hoi làm gia vị. Vì thế, loài quả này mới có những cái tên, như: pén hoi, nghia hoi, quýt hoi, quýt ốc.

          Thân cây quýt hôi có cành lá xum xuê và cao hàng chục mét. Cây thường mọc ở những nơi thưa thớt nên tán lớn. Quả quýt khi thu hoạch to bằng chén trà loại nhỏ, lúc chín ngả màu vàng cam, vỏ hơi sần sùi rất dễ bóc. Quả quýt hôi ăn chua hơn các loại quýt khác, nhưng có hương vị thơm đặc biệt. Khi ăn quýt hôi sẽ cảm nhận vị đậm lưỡi, mát họng, thông mũi, sảng khoái.

          Quýt hôi được biết đến là một vị thuốc quý và gia vị tạo hương thơm đặc biệt cho một số món ăn. Người dân địa phương thường dùng vỏ quýt hôi để làm trà, siro quýt dùng trong gia đình, hoặc ngâm quả với mật ong trị ho. Người dân miền núi cũng dùng vỏ quýt, lá quýt để làm gia vị tạo hương thơm đặc biệt cho một số món ăn.

          Do có khí hậu tương đối mát mẻ nên huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa được xem là "thủ phủ" của cây quýt hôi. Trước đây, quýt tự mọc, tự phát triển, không có bàn tay chăm sóc của con người; đất đai bị thoái hóa, bạc màu, chất lượng giống thấp, thị trường tiêu thụ cũng khó khăn, người dân chỉ mang quả ra chợ bán hay chế biến sử dụng cá nhân, cho gia đình. Vì thế, giống cây này dần bị thu hẹp diện tích.

          Hiện nay, cây quýt hôi Bá Thước đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Cùng với các chương trình hỗ trợ, phục tráng, nhân giống, huyện Bá Thước đang tích cực thực hiện bảo tồn nguồn gen, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào việc chọn tạo và sản xuất giống cây đạt chất lượng, đưa cây quýt hôi vào phát triển trong các hộ gia đình nhằm mở rộng cả quy mô diện tích và chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân; tạo ra sản phẩm đặc trưng theo Chương trình OCOP để phục vụ phát triển du lịch gắn với Khu Bảo tồn thiên thiên Pù Luông.

Tác giả: Nguyễn Hoàng Vân, Hạt Kiểm lâm huyện Bá Thước.
Số lượt đọc : 108 - Cập nhật lần cuối: 12/06/2024 08:06:25 AM
 
Gửi Email   In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành