Xây dựng lực lượng 21/04/2023:08:54:30
Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên – Chặng đường hơn 22 năm xây dựng và trưởng thành

         Ngày 15/6/2000, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1476/QĐ-UB về việc thành lập Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa với diện tích khi thành lập là 21.000 ha có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, xây dựng và sử dụng khu rừng; tổ chức quản lý bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, khôi phục và bảo vệ nguyên vẹn các hệ sinh thái, bảo vệ tính đa dạng sinh học của khu bảo tồn; tiến hành các hoạt động dịch vụ, nghiên cứu khoa học, văn hoá xã hội và du lịch sinh thái trong khu bảo tồn; gắn kết việc hưởng lợi của người dân với trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

         Trải qua chặng đường hơn 22 năm, bằng những nổ lực không biết mệt mỏi với quyết tâm, tình yêu nghề, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ban quản lý Khu BTTN Xuân Liên đã đoàn kết gắn bó, vượt qua khó khăn, thử thách xây dựng Khu BTTN Xuân Liên trở thành một trong những Khu bảo tồn, vườn quốc gia hàng đầu của tỉnh Thanh Hóa đồng thời là một trong những trung tâm đa dạng sinh học lớn của Việt Nam với trên 5000ha rừng nguyên sinh có phân bố các loài hạt trần quý hiếm, trong đó điển hình là quần thể cây Samu, Pơmu cổ thụ hàng ngàn năm tuổi, đường kính tới 4m, được công nhận là cây di sản Việt Nam. Khu hệ thực vật đã ghi nhận được 1.228 loài thực vật bậc cao, có 56 loài thực vật quý hiếm. Khu hệ động vật đã ghi nhận tổng số 1.811 loài động vật hoang dã, có 94 loài động vật quý hiếm. Các loài động thực vật quý hiếm đều thuộc các danh mục như sách đỏ Việt Nam 2007, danh lục IUCN, NĐ 84/2021/NĐ-CP và Cites. Điển hình như loài Pơ mu, Sa mộc dầu, Vù hương, Vượn đen má trắng, Voọc xám, các loài Mang… đặc biệt có loài Mang Roosevelt được phát hiện tại Xuân Liên sau công bố tuyệt chủng từ năm 1929.

Ảnh: Công chức, viên chức Khu BTTN Xuân Liên

         Theo dòng chảy của thời gian, trải qua hơn 22 năm xây dựng và trưởng thành, Khu BTTN Xuân Liên đã từng bước vươn lên khẳng định vai trò, vị thế.

         * Giai đoạn 2000 - 2005: Giai đoạn mới được thành lập, Ban quản lý Khu BTTN Xuân Liên là Đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa. Cơ cấu tổ chức của Đơn vị gồm: Ban Lãnh đạo có trưởng Ban và 01 phó trưởng Ban; Văn phòng Ban và 03 trạm kiểm lâm (Trạm kiểm lâm Bản Vịn, Trạm kiểm lâm Bản Thành, trạm Kiểm lâm Bản Lửa), 01 Tổ kiểm lâm Cơ động. Tổng biên chế có 26 cán bộ (6 công chức và 20 lao động hợp đồng). Hệ thống chính trị có Chi bộ đảng (ban đầu có 04 đảng viên) trực thuộc Huyện ủy Thường Xuân và  02 tổ chức chính trị - xã hội là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trực thuộc Huyện đoàn Thường Xuân và Công đoàn bộ phận trực thuộc Công đoàn Chi cục Kiểm lâm Thanh Hoá. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên (phải đi thuê văn phòng làm việc, địa bàn rộng lớn với điều kiện giao thông, thông tin liên lạc khó khăn, đội ngũ cán bộ trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm...). Tuy nhiên bằng quyết tâm chính trị cao, với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, tình yêu nghề. Tập thể cán bộ, công chức và người lao động Ban quản lý Khu BTTN Xuân Liên sau 5 năm thành lập đã hình thành và ổn định được bộ máy hoạt động, an ninh rừng từng bước được kiểm soát, trên địa bàn đã cơ bản chấm dứt tình trạng khai thác, săn bắt động vật rừng, vận chuyển lâm sản trái phép; tập quán phát đốt rừng làm nương rẫy đã không còn xảy ra. Chất lượng rừng dần được phục hồi, nâng độ che phủ của thảm thực vật rừng từ  65% (năm 2001) lên 76% (năm 2005).

         * Giai đoạn 2005 - 2010: Đây là giai đoạn đã đi vào ổn định bộ máy, Đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm, Cơ cấu tổ chức gồm: Ban Lãnh đạo có Giám đốc và 02 phó Giám đốc Ban; 03 phòng chuyên môn gồm: Phòng Hành chính - Tổng hợp; Phòng Kế hoạch - Kỹ thuật; Phòng Du lịch sinh thái và môi trường và Hạt Kiểm lâm trực thuộc (gồm 06 trạm Kiểm lâm là: Bản Vịn, Bản Lửa, Bản Khẹo, Sông Khao, Hón Mong, Hón Can và Tổ Kiểm lâm cơ động và PCCR). Biên chế được giao gồm 29 cán bộ (6 công chức và 23 lao động hợp đồng). Chi bộ Khu BTTN Xuân Liên đảng số duy trì từ 15-17 đồng chí. Bằng sự nỗ lực và phấn đấu của cả đơn vị, ở giai đoạn này Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên tiếp tục đạt được nhiều thành tựu trong việc giữ vững an ninh rừng trên diện tích và địa bàn được giao quản lý, từng bước phát triển các dự án bảo tồn, đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển dân sinh - kinh tế xã hội vùng đệm. Về cơ sở hạ tầng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình Văn phòng Hạt Kiểm lâm; Trạm Kiểm lâm Bản Khẹo; Xây dựng mới nhà Trạm Kiểm lâm Hón Mong (Nhà bè) và một số công trình phục vụ công tác quản lý.

         * Giai đoạn 2010 - 2015: Trong giai đoạn này, thực hiện Quyết định số 2060/QĐ-UBND ngày 03/7/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hoá. Cơ cấu tổ chức của Đơn vị gồm: Ban Lãnh đạo có Giám đốc và 02 phó Giám đốc; 03 phòng chuyên môn: Phòng Tổ chức - Hành chính, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế và 02 đơn vị trực thuộc là Trung tâm bảo tồn phát triển sinh vật và dịch vụ môi trường rừng Xuân Liên, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Liên (có 05 trạm kiểm lâm trực thuộc: Bản Vịn, Bản Lửa, Hón Mong, Sông Khao, Hón Can và 01 Tổ cơ động và PCCCR). Biên chế được giao gồm 43 cán bộ (gồm 21 công chức, 02 viên chức và 20 lao động hợp đồng). Hệ thống chính trị có Chi bộ đảng trực thuộc Huyện ủy Thường Xuân và  02 tổ chức chính trị - xã hội là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trực thuộc Huyện đoàn Thường Xuân và Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Ngành nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa. Chi bộ Khu BTTN Xuân Liên đảng số duy trì từ 22-25 đồng chí. Bằng sự nỗ lực và phấn đấu của cả Đơn vị, ở giai đoạn này Ban quản lý Khu BTTN Xuân Liên đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong việc giữ vững an ninh rừng trên địa bàn được giao quản lý, độ che phủ của rừng tăng từ  85% (năm 2010) lên 94% (năm 2015); thực hiện triển khai nhiều đề tài cấp tỉnh, dự án bảo tồn, mô hình hỗ trợ phát triển kinh kế vùng đệm; hoạt động phát triển du lịch sinh thái bắt đầu được hình thành, từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho hoạt động du lịch và quản lý được tăng cường.

         * Giai đoạn 2015 đến nay: Trong giai đoạn này, Bộ máy tổ chức được giữ ổn định, nhằm đáp ứng với nhiệm vụ trong tình hình mới, số trạm Kiểm lâm trực thuộc Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Liên tăng lên 8 trạm gồm: Bản Vịn, Bản Lửa, Hón Mong, Sông Khao, Hón Can, Cửa Đạt, Bản Khong, Bản Phống và 01 Tổ cơ động và PCCCR). Biên chế hiện nay gồm có 41 cán bộ (gồm 19 công chức và 22 viên chức); Đảng bộ được thành lập từ Chi bộ trực thuộc Huyện ủy có 33 đảng viên. Có thể nói, đây là giai đoạn mà Ban quản lý khu BTTN Xuân Liên ổn định về chính trị, bộ máy tổ chức quản lý, hoạt động nghiên cứu khoa học và bảo tồn thiên nhiên đã được nâng lên một bước, khu bảo tồn Xuân Liên đã được nâng cao về vị thế trong bản đồ hệ thống các khu rừng đặc dụng trong cả nước, được thể hiện: Năm 2018, được Hiệp hội bảo tồn phối với với Tổ chức Frankfut bình chọn Khu BTTN Xuân Liên là Khu bảo tồn xuất xắc nhất Việt Nam. Công tác quản lý bảo vệ rừng được giữ vứng, độ che phủ của rừng được nâng lên đến 97%. Triển khai có hiệu quả nhiều đề tài khoa học cấp Quốc gia, cấp Bộ, cấp Tỉnh được đăng trên các tạp trí uy tín trong nước và quốc tế, điển hình như: Kết quả công bố giám sát loài Vượn đen má trắng tại Xuân Liên năm 2020 so với năm 2013 tăng từ 41 đàn/129 cá thể lên 62 đàn/200 cá thể (thông tin được đăng trên Tạp chí Khám phá Discover Magazine, năm 2020) được xác định là loài có phân bố lớn nhất tại Việt Nam hiện nay; Công bố sự tồn tại của loài Mang Roosvenl đã coi bị tuyệt chủng từ năm 2029 được tìm thấy ở Xuân Liên chính là loài Mang pù hoạt (thông tin được đăng trên tạp chí Conservation Genet 2014 15:993–999, Springer); công bố sự thành công đầu tiên tại Việt Nam trong nhân giống intro đối với loài lan Hài Lông, Hài Vân Bắc (Tạp chí Nông nghiệp &PTNT-Kỳ 1-tháng 11/2018) và Lan Thủy Tiên Hường (Tạp chí Nông nghiệp&PTNT-Kỳ 1-tháng 10/2019).

         Phát hiện 03 loài mới cho khoa học gồm: Loài Phòng kỷ xuân liên (Aristolochia xuanlienensis Huong el all) thuộc họ Nam mộc hương (Aristolochiaceae) (thông tin được đăng trên tạp chí Phytotaxa 188 (4): 176–180, 12 Dec. 2014); Loài Giác đế bân (Goniothalamus banii Quang et all) thuộc họ Na (Annonaceace) (thông tin được đăng trên tạp chí Nordic Journal of Botany 34: 690–693, 2016); Loài Ixora auricularis Chun & F. C. How ex W. C. Ko, thuộc họ Cà phê (Rubiaceae) (thông tin được đăng trên tạp chí Korean J. Pl. Taxon.46 (4): 356-360 (2016)).  Phát hiện 04 loài mới chưa từng được ghi nhận ở Việt Nam đó là: Loài Lữ đằng đứng (Lindernia megaphylla P.C), Thuỷ thảo trắng (Kailarsenia lineata R.Br), Song quả lá bắc tím (Didymocarpus pupureobracteatus Smith) và loài Rắn hổ mây Xuân Liên (Pareas geminatus), thuộc họ Rắn hổ mây (Pareidea).

         Phối hợp với nhiều tổ chức trong và ngoài nước (WCS; Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga, USAID, GIZ, CCD,...) thực hiện nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên và phát triển dân sinh kinh tế xã hội vùng đệm. Chương trình phát triển du lịch sinh thái đã được quan tâm, khai thác các giá trị về thiên nhiên một cách bài bản, đã được UBND Tỉnh phê duyệt Đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng giải trí giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030, xác định vị trí cho thuê môi trường rừng, từng bước quy hoạch định hướng các điểm du lịch để thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng du lịch được tăng cường.

         Nỗ lực phấn đấu trong suốt chặng đường 22 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể Ban quản lý Khu BTTN Xuân Liên đã được Đảng, Nhà nước ở các cấp, ngành ghi nhận và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: có 02 lần được Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen, 07 lần được Đảng bộ huyện Thường Xuân tặng Giấy khen; 08 lần được Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa tặng Giấy khen; 05 lần được Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân tặng Giấy khen và công nhận đạt cơ quan văn hóa; 04 lần được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen; 02 lần được Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng Bằng khen, 01 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng; Năm 2022 được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng 3.  

         Những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước đã nói lên trí tuệ, nỗ lực, và trách nhiệm rất đáng trân trọng, tôn vinh của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong suốt chặng đường 22 năm xây dựng và trưởng thành, song phần thưởng lớn nhất, ý nghĩa nhất là trong sự thay da đổi thịt về chất lượng rừng, là việc giữ vững giá trị về đa dạng sinh học gìn gữ cho các thế hệ mai sau, là những tình cảm, lòng biết ơn của người dân đã và đang có sinh kế, thu nhập ổn định từ rừng đem lại và cho cả những hy vọng, ước mơ trong nỗ lực phát huy các giá trị về đa dạng sinh học, giá trị về cảnh quan thiên nhiên cho khoa học và đời sống, đặc biệt là cho phát triển du lịch hướng đến phát triển kinh tế xanh bền vững xây dựng một tương lai bừng sáng.

         Chặng đường hơn 22 năm lịch sử xây dựng và trưởng thành đã để lại sáu bài học kinh nghiệm quý giá đã, đang và còn mãi phát huy giá trị:

         Thứ nhất, thực hiện tốt công tác xây dựng lực lượng, phải thường xuyên quan tâm giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng, tác phong lối sống lành mạnh cho cán bộ công chức Kiểm lâm luôn giữ vững bản lĩnh công tác; không bị khuất phục trước những mặt trái của nền kinh tế thị trường, không tham nhũng, tiêu cực; tích cực quan tâm, thực hiện tốt chế độ chính sách đối với lực lượng Kiểm lâm, tạo mọi điều kiện cả về công tác và sinh hoạt để cán bộ Kiểm lâm yên tâm công tác.

         Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo, quản lý của Ngành, của địa phương về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với nhiều hình thức và nội dung phong phú, từ đó đã thực sự góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn.

         Ba là, chủ động tham mưu với chính quyền địa phương trong công tác quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chính quyền địa phương, nắm bắt thông tin, đấu tranh ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

         Bốn là, làm tốt công tác khuyến lâm; hướng dẫn cho các hộ gia đình nhân dân vùng đệm trong sản xuất kinh doanh nghề rừng, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế vườn rừng có hiệu quả cao, phù hợp với thực tế ở địa phương, từ đó xã hội hóa công tác bảo vệ rừng.

         Năm là, luôn thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng và kỷ luật, tạo động lực tốt cho cán bộ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

         Sáu là, tập trung nghiên cứu chuyên sâu về công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn nguyên vẹn và phát triển các giá trị đa dạng sinh học, nghiên cứu ứng dụng các mô hình phát triển dân sinh kinh tế nhằm ổn định vùng đệm. Khai thác giá trí trị về cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch sinh thái, tạo nguồn thu, từng bước giảm dần nguồn ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ rừng.

          Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973 - 21/5/2013). Tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ban quản lý Khu BTTN Xuân Liên với tinh thần Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển, với khát vọng cống hiến và thịnh vượng, tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, nỗ lực phấn đấu rèn đức, luyện tài, giữ vững tâm trong, trí sáng, nguyện đem hết sức mình xây dựng, vun trồng và gìn giữ màu xanh cho quê hương Thanh Hóa anh hùng.

Ảnh: Một số hình ảnh hoạt động của Khu BTTN Xuân Liên

Ảnh: Tuần tra, kiểm tra rừng

Ảnh: Hoạt động tuyên truyền

Ảnh: Nghiên cứu khoa học

Ảnh: Du lịch sinh thái

Ảnh: Phục hồi sinh thái rừng

Ảnh: Sản xuất cây giống

Ảnh: Cung cấp nguồn giống

Sản phẩm hàng hóa (Quế)

Sản phẩm hàng hóa OCOP 3 sao (Măng khô xuân liên)

 

 

Tác giả: Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên
Số lượt đọc : 412 - Cập nhật lần cuối: 21/04/2023 08:04:30 AM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành