Xây dựng lực lượng 18/04/2023:09:07:41
HẠT KIỂM LÂM HUYỆN THỌ XUÂN 50 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

          Hạt kiểm lâm huyện Thọ Xuân, khi mới thành lập tháng 3-1974 tên là Hạt Phúc kiểm lâm sản (PKLS) Sông Chu, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng, năm 2008 được chuyển đổi thành Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân. Sau 50 năm hình thành và phát triển, Kiểm Lâm huyện Thọ Xuân dù đã phải trải qua những bước thăng trầm. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thọ Xuân, sự lãnh đạo trực tiếp của lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của cán bộ CC, VC, LĐHĐ trong suốt 50 năm qua, Kiểm lâm huyện Thọ Xuân đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Quá trình xây dựng và trưởng thành được thể hiện qua từng giai đoạn cụ thể như sau:

          Như chúng ta đã biết lúc sinh thời Bác Hồ thường xuyên nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân, các cấp, các ngành quan tâm chú ý bảo vệ và phát triển rừng. Từ những năm 60 Người đã phát động Tết trồng cây khởi đầu cho phong trào trồng cây gây rừng của nhân dân ta trong suốt hơn nửa thế kỷ  qua.

          Giữa lúc toàn Đảng, toàn dân ta đang tập trung sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Nhưng trước yêu cầu cấp bách của công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), ngày 6/9/1972 UBTV Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh bảo vệ rừng và được Chủ tịch nước Việt nam dân chủ cộng hoà (Nay là nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam) ký lệnh công bố ngày 11 tháng 9 năm 1972. Sự ra đời của pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng lúc bấy giờ có ý nghĩa rất lớn trong việc quản lý và phát triển nguồn lực quý giá của đất nước. Gần 1 năm sau ngày công bố Pháp lệnh Lực lượng Kiểm lâm Việt nam được thành lập ngày 21 tháng 5 năm 1973 Sau đó  đến sự ra đời của Lực lượng Kiểm lâm Thanh Hoá ngày 15/11/1973. Đến tháng 3/1974, Hạt PKLS Sông Chu ra đời và có chức năng nhiệm vụ tham mưu cho cấp uỷ chính quyền các cấp về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực phúc kiểm lâm sản và thừa hành pháp luật bảo vệ rừng.

          Cho đến ngày 12/8/1991, trước yêu cầu cao hơn của sự nghiệp quản lý bảo vệ và phát triển rừng trong giai đoạn cách mạng mới, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng được công bố và  đến cuối năm 2004 trước những yêu cầu hội nhập Quốc tế  ngày càng sâu rộng của nền kinh tế thị trường và những đòi hỏi mang tính cấp bách về công tác bảo vệ rừng. Luật BV&PTR một lần nữa được sửa đổi hoàn chỉnh hơn. Đây là văn bản ở hình thức pháp luật cao nhất điều chỉnh mọi hành vi của xã hội xâm hại đến tài nguyên rừng.

Vào những năm đầu của thập kỷ 70, Thọ Xuân là một huyện Trung du có một số xã miền núi, với diện tích rừng không lớn (khoảng 14.000 ha), song lại là huyện có các tuyến đầu mối giao thông quan trọng cả đường thuỷ (Sông chu) và đường bộ (đường bộ 15A) Là cửa ngõ giao thông đường bộ duy nhất lưu thông hàng hoá nói chung và hàng lâm sản nói riêng từ các huyện miền núi phía Tây, Tây Bắc của tỉnh về các huyện miền xuôi và ra các Tỉnh phía bắc. Sự ra đời và phát triển của lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn huyện là yêu cầu tất yếu khách quan. Sau gần 50 năm hoạt động, dưới sự lãnh chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện, của Chi cục Kiểm lâm Thanh hoá, sự phối kết hợp của các cấp các ngành và sự ủng hộ của nhân dân, Kiểm lâm Thọ xuân đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng luôn đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

          Những kết quả đạt được:

          * Về  công tác tổ chức và cán bộ:

          Ngay sau khi thành lập, đơn vị được tiếp nhận 12 đồng chí chuyển từ trạm kiểm thu của Công ty Lâm nghiệp sang, lúc đó đ/c Trịnh Ngọc Bích được Chi cục điều về làm Phó Hạt trưởng và được giao phụ trách Hạt (Từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1974). Đến tháng 6/1974, đồng chí Vũ Khắc Hàm được Chi cục điều về làm Hạt trưởng đầu tiên của Hạt PKLS Sông chu. Từ năm 1974 đến nay có tới 8 đồng chí Hạt trưởng qua các thời kỳ gồm:

Đồng chí Vũ Khắc Hàm, sinh năm 1932, Hạt trưởng từ 1974-1979, quê quán, xã Hoàng Sơn, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

 Đồng chí: Trịnh Ngọc Bích, sinh năm 1925 Hạt trưởng: 1979-1987; quê quán: Xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.

 

Đồng chí: Nguyễn Văn Mão, sinh năm 1943, Hạt trưởng 1982-1987; quê quán tại Xã Hà Long, huyện Hà Trung,Thanh Hóa.

Đồng chí: Nguyễn Ngọc Thụ, sinh năm 1950 Hạt trưởng Từ 1987-1994, quê quán xã Quảng Hùng huyện Quảng Xương, Thanh Hóa.

 

Đồng chí: Đỗ Xuân Lộc, sinh năm 1960,  Hạt trưởng từ năm 1994- 2004 quê quán xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.

 Đồng chí: Nguyễn Văn Khanh, sinh năm 1960, Hạt trưởng từ năm 2005-2013, quê quán xã Quảng Vọng, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa.

 Đồng chí: Ngô Văn Tuấn, sinh năm 1974, Hạt trưởng từ năm 2014-2020, quê quán, xã Hà Vân, huyện Hà Trung, Thanh Hóa.

 Đồng chí: Lê Văn Hài, sinh năm 1983, Hạt trưởng từ năm 2021 cho đến nay, quê quán, xã Hoằng Đại, huyện Hoằng Hóa, nay là thành phố Thanh Hóa.

          Buổi sơ khai ban đầu, Hạt gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, về tổ chức cán bộ. Song đơn vị xác định công tác Tổ chức, cán bộ phải được coi  là nhiệm vụ trọng tâm có tính chiến lược, muốn tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ trước hết phải có con người giỏi về chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ. Do đó đơn vị luôn lấy 5 tiêu chuẩn, 5 tác phong của người cán bộ Kiểm lâm (được quy định tại Nghị định 101 của Chính phủ) làm mục tiêu phấn đấu trưởng thành. Lấy hiệu quả công việc làm thước đo năng lực, trình độ của cán bộ công chức trong đơn vị.

          Là một huyện nằm ở vùng bán sơn địa, có nhiều đầu mối giao thông quan trọng, được Lãnh đạo chi cục Kiểm lâm quan tâm, bố trí số đông cán bộ về Hạt, Từ khi có 12 đ/c trong đó có 1 đ/c là trung cấp, thời kỳ đông nhất lên tới 26 Đ/c vào những năm 1986 - 1990 (trong đó có 3 đ/c là CB trung cấp) và đến nay chỉ còn 09 đ/c, có tuổi đời bình quân là 38, tuổi nghề bình quân là trên 15 năm, có 01 đc có trình độ Thạc sỹ, 07 đ/c có trình độ Đại học, 01 đ/c là hợp đồng lái xe, có 90% công chức, viên chức là đảng viên. Từ buổi ban đầu chỉ có 3 trạm, thời kỳ phức tạp nhất vào những năm 1986 -1990 có tới 5 trạm và 1 tổ chốt, đến nay không còn Tổ, Trạm trực thuộc nào. Cơ sở vật chất từ lúc sơ khai hầu như không có gì, đến nay đã được trang bị cơ sở vật chất và phương tiện làm việc khá, đầy đủ và đang từng bước được hiện đại hóa. Khi mới thành lập lực lượng kiểm lâm còn rất mỏng, nhiệm vụ chỉ mới dừng lại ở mức độ kiểm thu là chính, đến nay đã khẳng định được vai trò nòng cốt, làm tốt công tác tham mưu và đang từng bước làm rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương cơ sở theo hướng xã hội hoá công tác quản lý bảo vệ rừng theo đúng tinh thần Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ.

          * Về công tác chịnh tư tưởng và xây dưng lực lượng Kiểm lâm trong sạch vững mạnh.

          50 năm đơn vị đã có nhiều bài học kinh nghiệm để chọn lọc, đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức, nên chất lượng cán bộ ngày càng được nâng cao (Đã bồi dưỡng đề bạt từ Trạm trưởng trở lên được 15 đồng chí). Để làm tốt công tác CB đơn vị còn  tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, uốn nắn, bồi dưỡng những cán bộ yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời cũng xử lý nghiêm minh những cán bộ tha hoá, biến chất về đạo đức lối sống và kiên quyết đưa ra khỏi lực lượng để làm trong sạch đội ngũ cán bộ.

          Do làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác đào tạo, bồi dưỡng, thanh tra, kiểm tra trong nội bộ, công tác phê bình và tự phê bình một cách thẳng thắn trên tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, nên trong nhiều năm qua, nhất là trong 20 năm trở lại đây đơn vị luôn được Ban Thường vụ Huyện uỷ công nhận là chi bộ trong sạch vững mạnh, tập thể và nhiều cá nhân trong đơn vị được khen thưởng của các cơ quan cấp trên:  Chi bộ được 2 lần Tỉnh uỷ Tặng Bằng khen, đơn vị cú 05 lần được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh hoá tặng bằng khen, 03 lần được Bộ trưởng Bộ NN& PTNT tặng Bằng khen.

          * Kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

          - Về công tác kiểm tra kiểm tra, kiểm soát lâm sản:

          Mặc dù đã chuyển đã được chuyển đổi từ Hạt Phúc kiểm lâm sản thành Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân từ năm 2008; tuy nhiên công tác kiểm tra, kiểm soát lâm sản và quản lý các cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản, nuôi sinh trưởng sinh sản động vật hoang dã đơn vị vẫn luôn xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ hết sức phức tạp, có những lúc khá gay gắt. Các đối tượng buôn bán vận chuyển lâm sản luôn tìm đủ mọi cách nhằm lẫn trốn sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Đã có nhiều vụ chúng chống trả, hành hung quyết liệt lực lượng Kiểm lâm (đã có 4 vụ chống người thi hành công vụ gây thương tích) bằng nhiều loại vũ khí trong đó có cả súng quân dụng. Sau 50 năm hoạt động, lực lượng Kiểm lâm Thọ xuân dưới sự lãnh chỉ đạo của Thường vụ  huyện uỷ, HĐND, UBND, của Chi cục Kiểm lâm Thanh hoá, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, chức năng, công tác kiểm tra, kiểm tra, kiểm soát, phúc kiểm và đấu tranh chống buôn lậu lâm sản đã đạt được những kết quả nhất định, đã phát hiện và xử lý hàng ngàn vụ vi phạm pháp lệnh bảo vệ rừng, luật bảo vệ và phát tiển rừng (nay là Luật Lâm nghiệp).

Toàn bộ tang vật vi phạm bắt giữ được vận chuyển về qui trữ tại  kho Hạt

          Giai đoạn 1973 - 1986: Bình quân mỗi năm phát hiện hàng trăm vụ vi phạm, thu về cho Nhà nước hàng trăm m3 gỗ và hàng ngàn cây Luồng. Nguồn thu từ chống buôn lậu lâm sản và thu tiền nuôi rừng bình quân khoảng 700.000đ đến 1.000.000đ/năm và bao giờ cũng là đơn vị có số thu nộp ngân sách Nhà nước lớn thứ 2 trong toàn lực lượng Kiểm Lâm Thanh Hóa (sau Hạt Kiểm lâm huyện Như xuân).

          Giai đoạn 1986 - 2013: Đây là thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới nền kinh tế chuyển từ bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Hầu hết các cơ quan được giao cung ứng lâm sản trước đây đều bị giải thể; nhiều Hạt, Trạm kiểm soát lâm sản cũng bị giải tán theo tinh thần QĐ 80 của Chủ tịch HĐBT (nay là chính phủ). Thị trường lâm sản được tự do lưu thông, thông thoáng hơn, không còn cảnh ngăn sông cấm chợ. Song đây cũng là giai đoạn làm cho công tác QLBVR hết sức lúng túng, tài nguyên rừng bị khai thác ồ ạt, bừa bãi. Cũng trong thời điểm này, trên địa bàn huyện nổi lên một số tụ điểm buôn bán, kinh doanh gỗ và lâm sản trái phép như: Khu vực Bái thượng (xã Xuân bái); phố Đầm (xã Xuân thiên); Tứ trụ (xã Thọ diên). Tài nguyên rừng được khai thác trái phép từ các huyện tuyến trên và các huyện giáp ranh đưa về các tụ điểm này tập kết sau đó vận chuyển đi các tỉnh ngoài tiêu thụ. Công tác phúc kiểm lâm sản của đơn vị cũng chỉ đủ sức kiểm tra một số trục giao thông chính, còn nhiều tuyến đường không kiểm soát hết được.

          Giai đoạn 2014 đến nay Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế miền núi, như các dự án hỗ trợ đầu tư trồng rừng, trồng rừng thay thế, dự án khoanh nuôi bảo vệ tái sinh rừng... đã góp phần xóa đói giảm nghèo, đời sống người dân miền núi đã được nâng lên, đã giảm đáng kể áp lực về phá rừng. Cùng với đó là nhiều các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng được ban hành kịp thời Như: Luật lâm nghiệp năm 2017, Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 18/11/2018 qui định chi tiết thi hành một số điều của luật Lâm nghiệp, đặc biệt là Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng và đã có tác dụng tích cực đến công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, vai trò của Cấp ủy, chính quyền địa phương đã được nâng lên, Tài nguyên rừng được bảo vệ tốt hơn, an ninh rừng ngày càng ổn địn. Do đó tình hình mua bán, tàng trữ, kinh doanh gỗ và lâm sản trái phép trên địa bàn được giao quản lý đã khá ổn định, an ninh trật tự trong quản lý lâm sản được lập lại, tài nguyên rừng ở các huyện phía trên đang dần được khôi phục.

          Sau 50 năm đấu tranh chống buôn lậu lâm sản, từ 2012 trở về trước quân bình mỗi năm đơn vị phát hiện và xử lý trên 200 vụ vi phạm,  năm cao nhất là (1997) 566 vụ vi phạm, năm thấp nhất là (2007) 43 vụ. Tiền thu từ chống buôn lậu bình quân mỗi năm là 400 triệu đồng, năm cao nhất (1997) là 848 triệu đồng, năm thấp nhất 2012 là: 62 triệu đồng và từ năm 2013 trở lại đây số vụ đã giảm dần theo từng năm, bình quân mỗi năm đơn vị chỉ phát hiện xử lý 10 vụ, năm cao nhất 15 vụ, năm thấp nhấp là 02 vụ.

          Tổng số vụ phát hiện xử lý 50 năm qua là 4092 vụ, khởi tố hình sự 4 vụ tổng số tiền thu nạp ngân sách nhà nước là: 8.760.487,000 đồng.

          Lâm sản và phương tiện tịch thu xung công quỹ Nhà nước:

          - Gỗ tròn và gỗ xẻ và bìa các loại : 2918,0 m3.

          - Gỗ bìa; 215 kg.

          - Củi: 19 Ste.

          - Dược liệu: 1.200kg.

          - Động vật hoang dã           :  550 kg.

          - Ôtô                                   :      2 cái.

          - Xe máy                            :    33 cái.

          - Xe trâu bánh lốp              :    35 cái.

          Qua số liệu trên cho chúng ta thấy một thời gian dài, nhất là khi mới thành lập, số vụ vi phạm không có chiều hướng thuyên giảm, điều đó chứng tỏ lực lượng Kiểm lâm gần như bị bất lực trước nạn tàn phá rừng, nạn buôn bán, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép. Cho đến khi Luật BV&PTR (nay là luật Lâm Nghiệp) được ban hành Đảng và Nhà nước quan tâm đúng mức đến công tác QLBVR, Cấp uỷ, chính quyền các cấp cùng chăm lo, nhân dân đồng tình ủng hộ và nhất là những năm đầu của thế kỷ 21, số vụ vi phạm liên tục giảm, trong khi đó tiền thu từ chống buôn lậu lâm sản lại có chiều hướng tăng theo bình quân số vụ, điều đó chứng tỏ các quy định của Nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính và hình sự trong lĩnh vực Lâm nghiệp ngày càng nghiêm khắc hơn. Đồng thời cũng khẳng định sự lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng của lực lượng Kiểm lâm, đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn cách mạng mới, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

          - Về quản lý các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản và các cở nuôi sinh trưởng, sinh sản động vật hoang dã: Theo số liệu thống kê khoàng thời gian từ 2007 - 2015 trên địa bàn thời điểm cao nhất năm 2012 có tới trên 200 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản và hơn 100 cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã. Tuy nhiện hiện nay số cơ kinh doanh chế biến lâm sản đơn vị đang quản lý theo dõi là hơn 50 cơ sở và 12 cơ sở nuôi sinh trưởng sinh sản động vật hoang dã, trong đó có 01 trại nuôi 11 cá thể Hổ, thuộc động vật hoang dã nguy cấp quí hiếm nhóm IB.

          - Về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng:

          + Công tác PCCCR: Mặc dù không phải là vùng trọng điểm về cháy rừng, xong những năm qua đơn vị luôn phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền BVR, PCCCR nên trên địa bàn chưa xảy ra vụ cháy rừng nào.

          + Công tác quản lý rừng: Đơn vị luôn làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, hơn nữa diện tích rừng trên địa bàn đơn vị quản lý  chủ yếu là rừng trồng, nên từ trước đến nay các vi phạm về phá rừng, khai thác rừng trái phép hầu như ít xảy ra, chỉ xảy ra 02 vụ khai thác gỗ rừng tự nhiên trái phép vào năm 2007 và 2018; nhìn chung an ninh rừng trên địa bàn ổn định.

          + Về phát triển rừng: Đơn vị đã phối hợp với các phòng ban chuyên môn của huyện, chính quyền địa phương các xã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia trồng theo các chương trình dự án hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, cũng như chủ động tự bỏ vốn ra trồng. Kết quả từ năm 2009 - 2019 đã trồng được hơn 600 ha.

          + Về công tác theo dõi diễn biến rừng: Đơn vị luôn xác định công tác cập nhật diễn biến tài nguyên rừng là nhiệm vụ thường xuyên, nên đã chỉ đạo thực hiện hoàn thành kế hoạch đăng ký cập nhật hàng năm đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng.

          - Về Công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật.

          Luật Bảo vệ và phát triển rừng, nay là Luật Lâm nghiệp năm 2017 đã khẳng định  "Bảo vệ rừng là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân". Thực tiễn cũng đã chứng minh, lực lượng Kiểm lâm muốn làm tốt công tác bảo vệ rừng, quản lý lâm sản thì phải biết dựa vào dân. 50 năm qua, Kiểm lâm huyện Thọ xuân đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến các xã, thị  trấn, phối hợp đồng bộ với các cơ quan thông tấn, báo chí, thông tin đại chúng, với MTTQ, với Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ... chuyển tải hầu hết các văn bản pháp luật về QLBVR xuống tận thôn bản. Nhiều văn bản pháp luật đã đến tận hộ gia đình bằng các hình thức như: Phát thanh, truyền hình, băng rôn, ký các bản cam kết bảo vệ rừng, tổ chức hội họp tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về Giao đất khoán rừng, PCCCR, vận động nhân phát giác, tố giác những đối tượng vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời đã đưa ra trước hội nghị thôn bản kiểm điểm giáo dục hàng trăm đối tượng vi phạm. Phối hợp với Đoàn thanh niên tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Luật BV&PTR với trên 10.000 bài dự thi và bằng hình thức rung chuông vàng; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật với hàng nghìn lượt, cho các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản và nuôi sinh trường, sinh sản ĐVHD. Công tác tuyên truyền được thực hiện cả bề rộng lẫn chiều sâu, nên nhận thức của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Và cũng chính từ địa bàn dân cư này, đã tự hình thành mạng lưới thông tin của quần chúng nhân dân, giúp cho các cơ quan chức năng và lực lượng Kiểm lâm xử lý nhanh chóng, kịp thời, chính xác và có hiệu quả các vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng (có thể nói trên 80% số vụ vi phạm Luật BV&PTR mà các cơ quan chức năng xử lý là do quần chúng nhân dân tố giác, phát giác và thông tin).

Hạt Kiểm lâm phối hợp với cảnh sát PCCC tập huấn, hướng dẫn sử dụng máy bơm nước chữa cháy rừng

          - Về công tác sử dụng  rừng:

          Những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về công tác quản lý bảo vệ và sử dụng rừng phù hợp với từng giai đoạn, từng thời kỳ. Kiểm lâm huyện Thọ xuân đã làm tốt vai trò tham mưu của mình trong công tác quản lý bảo vệ và sử dụng rừng cho UBND. Kịp thời thể chế hoá các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực bảo về và phát triển rừng, phù hợp với địa bàn dân cư và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

          Từ những năm đầu khi pháp lệnh bảo vệ rừng mới ra đời, công tác quản ly bảo vệ rừng còn chung chung, đến nay đã qui hoạch rõ được 3 loại rừng với chế độ quản lý cụ thể. Theo số liệu diễn biến rừng năm 2022 đã công bố.

          - Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp: 3.848,28 ha, trong đó

          + Rừng  sản xuất là: 3.786,26 ha

          + Rừng đặc dụng :         61,6 ha.

          Toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp nói trên đã được giao cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng:

          Trong  50 năm qua chúng ta đã thực hiện đến 3 lần giao đất giao rừng: Lần 1 thực hiện tinh thần chỉ thị 29 của Ban Bí thư vào những năm của Thập kỷ 70; Lần thứ 2 thực hiện Quyết định 184 của HĐBT vào những năm cuối của thập kỷ 80 (1985 - 1987). Chủ trương 2 lần giao đất trên đã không đi kèm với những chính sách cụ thể, do đó hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ và sử dụng rừng là không đáng kể, thậm chí rừng còn bị tàn phá mạnh hơn. Những hạn chế đó một mặt do thiếu sự quan tâm lãnh đạo, điều hành của cấp uỷ chính quyền cơ sở; việc tuyên truyền vận động chưa sâu rộng trong quần chúng nhân dân, do đó nhận thức của đại bộ phận nhân dân còn hạn chế. Mặt khác chính sách về giao đất khoán rừng còn chung chung, chưa đảm bảo được cuộc sống tối thiểu của người nhận đất, khoán rừng.

Chòi canh lửa rừng tại khu di tích lịch sử Lam Kinh

          Sau gần 50 năm được thành lập, xây dựng và phát triển, Kiểm Lâm Thọ Xuân đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quí như Bằng khen của Bộ, ngành, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT. Nhiều cán bộ công chức, viên chức trong đơn vị đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua các cấp và được khen thưởng. 50 năm dù đã phải trải qua những bước thăng trầm nhưng dưới sự chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, đặc biệt là chỉ đạo trực tiếp của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, sự phối kết hợp đồng bộ của các ban, ngành đoàn thể, sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương và đặc biệt là sự đồng tình của nhân dân cùng với sự kiên trì phấn đấu và nổ lực vươn lên tự khẳng định mình của tổ chức Đảng, chuyên môn, các đoàn thể và của mỗi CBCC Kiểm Lâm trong đơn vị qua nhiều thế hệ; Để đến hôm nay có thể tự hào với những thành tích đã đạt được. Kết quả ấy đã góp phần tích cực vào việc bảo đảm an ninh rừng, phát triển kinh tế; giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn trong suốt 50 năm qua./.

Tác giả: Hà Duy Thủy - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân
Số lượt đọc : 402 - Cập nhật lần cuối: 18/04/2023 09:04:41 AM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành