QLBV rừng 18/07/2020:15:33:15
Mô hình sáng kiến kỹ thuật cải tạo máy cắt thực bì thành “Hệ thống chữa cháy rừng cơ động”
Thanh Hóa có 27/27 huyện, thị, thành phố có rừng; tổng diện tích rừng hiện có 641.893,66 ha. Qua rà soát, đến nay toàn tỉnh có trên 48.000 ha rừng trọng điểm cháy; với trạng thái là rừng hỗn giao nứa - gỗ, rừng nứa, vầu, le…, thực bì chủ yếu là cỏ tranh, lau lách, ràng ràng, cành khô lá rụng… Đặc biệt Thanh Hóa có gần 10.000 ha rừng Thông từ cấp tuổi 3 đến cấp tuổi 5, phân bố ở 9 huyện thuộc khu vực đồng bằng ven biển, đây là khu vực trọng điểm cháy rừng rất cao của tỉnh, có nguy cơ xảy ra cháy lớn trong mùa khô hanh, nắng nóng.

 

Trong những năm qua Chi cục Kiểm lâm luôn xác định, công tác PCCCR là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu, để tập trung cao nhất mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp, nhằm giảm thiểu tới mức thấp nhất số vụ cháy rừng, như: Thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh chỉ đạo công tác PCCCR; triển khai thực hiện đồng bộ công tác phòng cháy rừng; xây dựng và nâng cao năng lực lực lượng PCCCR ở cơ sở; đầu tư trang thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật PCCCR.

Với các biện pháp như trên đã mang lại hiệu quả nhất định trong công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên đơn vị nhận thấy, trong quá trình chữa cháy rừng vất vả, khó khăn, chữa cháy chưa triệt để, đặc biệt đối với các tàn lửa, lớp thảm mục cháy âm ỉ, còn sót lại rừng,  rất dễ xảy ra cháy lại.

Cần phải có giải pháp mang tính đột phá nâng cao hiệu quả hơn nữa trong chữa cháy rừng, giải quyết triệt để các tàn dư sau cháy rừng yêu cầu cơ động, gọn, nhẹ, tiết kiệm nước, nhân lực, chi phí.

Xuất phát từ mục tiêu đó, ngày17/6/2020 Chi cục trưởng quyết định thành lập  Tổ chuyên gia “Nghiên cứu, cải tiến các loại máy móc được trang cấp phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”, gồm 15 người là các cán bộ, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực PCCCR

Sau khi khảo sát hiện trạng rừng trọng điểm dễ cháy, đặc biệt khu vực rừng Thông trên địa bàn tỉnh, đúc kết kinh nghiệm từ các tình huống chữa cháy rừng trên các địa hình trong những năm qua, kết hợp với học tập, tham khảo ở một số địa phương trong và ngoài tỉnh.

Sau nhiều lần thử nghiệm trên các dạng địa hình rừng, đã lực chọn được công nghệ tối ưu đó là:

1. Cải tiến xe bán tải chuyên dụng thành xe chữa cháy rừng (Hệ thống 1)

- Xe bán tải hai cầu mạnh mẽ nên có thể vượt qua được nhiều địa hình khó khăn, leo lên đồi cao mà các phương tiện cơ giới khác, kể cả xe chữa cháy chuyên nghiệp khó thực hiện được, trên xe được lắp đặt các thiết bị gồm:

Bồn chứa nước: loại 500 lít, kích thước 0,7 x 0,7 x 1,2 m, có nắp đậy, van xả đáy, được gắn trên thùng xe bằng dây cáp vải tăng đơ.

Động cơ xăng hiệu Honda, loại động cơ GX200, Công suất 6.5HP;

Đầu phun xịt áp lực cao AM – 600A, có 02 van xả.

Rulo cuốn xả dây thiết kế đặt trên thùng xe, có tay quay được cố định vào thùng xe bằng hệ thông tăng đơ, nên có thể tháo rời khi không sử dụng.

Dây cao áp sử dụng loại rửa xe, bơm thuốc chuyên dụng chiều đài 50m/cuộn x 10 cuộn được nối với nhau bằng hệ thống ren vặn.

Các thết bị trên được kết nối, tạo thành xe chữa cháy cơ động phun áp lực cao trong phạm vi bán kính 500 m

Như vậy nước được đưa vào sát trong rừng, gần các điểm phát lửa để dập lửa trong phạm vi chiều dài 500 m, có thể đảm bảo chữa cháy rừng liên tục trong thời gian 1 giờ.

2. Cải tiến máy cắt thực bì làm máy hút nước từ kệnh mương, ao, hồ, sông để bơm lên bồn chứa nước đặt trên xe chuyên dụng chữa cháy (Hệ thống 2)

Sử dụng đầu bơm nước được thiết kế gắn trực tiếp vào ống cần máy cắt cỏ loại Husqvarna -226R, chỉ cần tháo lưỡi cắt cỏ thay bằng đầu bơm nước và đấu nối các ống dây vào đầu bơm nước chuyên dụng, cỡ ống ra 42, lưu lượng trung bình đạt 100 lít/phút, do đó đảm bảo đơn giản, chuyên dụng, vận hành dễ dàng.

Chiếc máy bơm này cực kỳ hiệu quả cho việc bơm nước từ ao hồ, sông suối vào bồn chứa đặt trên xe ô tô bán tải chuyên dùng để cấp nước liên tục cho bồn chứa trên xe ô-tô, đơn vị bố trí thêm 01 xe chở bồn chuyên vận chuyển nước như trên.

3. Cải tiến máy cắt thực bì thành máy bơm chữa cháy (Hệ thống 3)

Khi vị trí đám cháy vượt quá phạm vi của hệ thống máy bơm đặt trên xe chuyên dụng chữa cháy (>500m), Chi cục Kiểm lâm cải tiến máy cắt thực bì thành máy bơm chữa cháy dùng làm máy bơm chuyền đi các vị trí khác trong rừng để cơ động chưã cháy.

Cải tiến máy cắt thực bì, loại Husqvarna -325RX (loại côn văng liền) được gắn trực tiếp với đầu nén xịt áp lực cao, loại chuyên dùng có thể đẩy nước 250 m, chênh cao 65 m, (có tổng khối lượng khoảng 5-6kg)

Đi kèm với mỗi máy là các Rulo cuốn xả dây, từ 10-20 m dây; sử dụng loại rửa xe, bơm thuốc chuyên dụng; các cuộn dây được nối với nhau bằng hệ thống ren vặn.

Ngoài ra đối với khu vực xa, địa hình đặc biệt phức tạp đơn vị tổ chức các xe máy, lực lượng vận chuyển nước bằng can nhựa để tiếp nước cho máy bảo đảm có đủ nước dập tắt hoàn toàn ngọn lửa.

4. Vận hành hệ thống trong chữa cháy rừng

(1)  Nguồn nước từ ao, hồ, sông, suối được Hệ thống 2 bơm trực tiếp vào Hệ thống 1; lực lượng vận hành 02 người.

(2) Hệ thống 1 có thể trực tiếp chữa cháy rừng hoặc cung cấp nước cho Hệ thống 3; lực lượng vận hành tối thiểu 03 người.

(3) Hệ thống 3, trực tiếp chữa cháy rừng hoặc làm nhiệm vụ bơm truyền nước; tùy theo quy mô, tính chất đám cháy có thể sử dụng cùng lúc nhiều máy, lực lượng cần tối thiểu 02 người/máy

5. Đánh giá, phạm vi áp dụng.

Hệ thống chữa cháy cơ động này phát huy hiệu quả cao; thay thế 50 đến 60 người chữa cháy bằng dụng cụ thủ công; thời gian chữa cháy liên tục, dập tắt đám cháy triệt để, không có tàn lửa trong rừng gây bùng phát đám cháy trở lại. Đặc biệt với mô hình này, lực lượng Kiểm lâm Thanh Hóa chủ động trong mọi tình huống, khi các điểm lửa xuất hiện và khống chế, kiểm soát cháy rừng xảy ra trên địa bàn.

Sau thời gian sử dụng cho thấy, hệ thống có thể sử dụng trong chữa cháy đối với tất cả các loại rừng; tuy nhiên mang lại hiệu quả cao đối với khu vực rừng gần đường giao thông, rừng có hệ thống đường băng cản lửa, đường lâm nghiệp như rừng Thông ở các huyện đồng bằng ven biển tỉnh Thanh Hóa.

Đến nay, “hệ thống chữa cháy rừng cơ động” đã được Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa nhân rộng tại Hạt Kiểm lâm huyện Hà Trung, TX Nghi Sơn, TP Thanh Hóa, Ven Biển và các Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR; Đồng thời đơn vị đang làm hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận sáng kiến kỹ thuật trong chữa cháy rừng hiệu quả này để triển khai rộng rãi trong và ngoài tỉnh, góp phần giảm tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Tác giả: Bùi Viết Kính
Số lượt đọc : 1643 - Cập nhật lần cuối: 18/07/2020 03:07:15 PM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành