Thực hiện Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng ngày 06/9/1972, ngày 21/5/1973, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định 101/CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hệ thống tổ chức Kiểm lâm Nhân dân Việt Nam. Tại tỉnh Thanh Hóa, ngày 15/11/1973, Tổng cục trưởng Tổng cục lâm nghiệp Hoàng Bửu Đôn, ký quyết định thành lập Chi cục Kiểm lâm Nhân dân trực thuộc Ủy ban hành chính tỉnh; bộ máy của Chi cục có Chi cục trưởng và 01 Phó Chi cục trưởng; 04 Phòng nghiệp vụ làm nhiệm vụ tham mưu, trong đó có Phòng Pháp chế tố tụng ( tiền thân của Phòng Thanh tra pháp chế ngày nay), đồng chí Dương Văn Đằng làm Trưởng phòng. Toàn Chi cục có 11 Hạt Kiểm lâm ở 8 huyện miền núi và các huyện Triệu Sơn, Tĩnh Gia ( Thị xã Nghi Sơn ngày nay), Hà Trung; 05 Hạt Kiểm soát lâm sản ( Sông Mã, Sông Chu, Nông Cống, Bỉm Sơn, Thị xã Thanh Hóa (nay là Tp Thanh Hóa); Ở mỗi đơn vị Kiểm lâm và Kiểm soát lâm sản có 01 cán bộ pháp chế chuyên trách, giúp Hạt trưởng tham mưu thực hiện pháp luật bảo vệ rừng.
Ngày 08/10/1979, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 368/HĐBT; theo đó, Chi cục Kiểm lâm chuyển về trực thuộc Sở Lâm nghiệp. Bộ máy của Chi cục còn 02 Phòng nghiệp vụ là: Phòng Quản lý bảo vệ rừng và Phòng Pháp chế tố tụng, trưởng phòng là đồng chí Phí Đức Quế; các Hạt Kiểm lâm được phân cấp chuyển về trực thuộc Ủy ban Nhân dân huyện; Hạt Phúc Kiểm lâm sản thuộc Chi cục Kiểm lâm Nhân dân; Ở các đơn vị Kiểm lâm, Kiểm soát lâm sản có 01 cán bộ pháp chế chuyên trách tham mưu cho Hạt trưởng về thực thi pháp luật về Bảo vệ rừng. Đến tháng 7/1981, do tình hình Kiểm lâm không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ rừng, UBND tỉnh đã tổ chức lại hệ thống Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm là đơn vị hoàn chỉnh trực thuộc Sở Lâm nghiệp; bộ máy của Chi cục có 3 phòng tham mưu: Phòng Quản lý Bảo vệ rừng; Phòng pháp chế thanh tra và phòng Tổ chức Hành chính; ở các huyện có 16 Hạt Kiểm lâm và Phúc kiểm lâm sản, 52 trạm Kiểm lâm và kiểm soát lâm sản. Các Hạt Kiểm lâm và Phúc kiểm lâm sản có 01 cán bộ pháp chế thanh tra tham mưu giúp Hạt trưởng thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm. Thực hiện Quyết định số 80/CT ngày 01/3/1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, UBND tỉnh ban hành Quyết định 795/NN-UBTH ngày 24/6/1987, giải thể 04 Hạt kiểm soát lâm sản: Sông Mã, Thị xã Thanh Hóa, Bỉm Sơn và Hạt Kiểm lâm Triệu Sơn; bộ máy của Chi cục còn 12 Hạt, 21 Trạm Kiểm lâm và kiểm soát lâm sản.
Thực hiện Luật bảo vệ và Phát triển rừng năm 1991, Chính phủ ban hành Nghị định 39/CP ngày 18/5/1994 quy định về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm; Chi cục Kiểm lâm chuyển trực thuộc UBND tỉnh, là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về công tác bảo vệ rừng, bảo đảm thực hiện pháp luật bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở Nghị định 39/CP, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1934 TC/UBTH ngày 18/10/1995 kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, Chi cục Kiểm lâm gồm 10 Hạt Kiểm lâm, 02 Hạt Phúc kiểm lâm sản, 03 Khu bảo tồn thiên nhiên, 01 Trạm kỹ thuật bảo vệ rừng, 03 phòng chuyên môn nghiệp vụ và 01 Đội Kiểm lâm cơ động; Trong đó, có phòng Pháp chế Thanh tra, biên chế 05 cán bộ, trưởng phòng là đồng chí Phí Đức Quế. Ở các Hạt, Đội Kiểm lâm cơ động có 01 cán bộ pháp chế chuyên trách.
Đến ngày 01/10/2002, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 3201/QĐ-UB về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Chi cục Kiểm lâm. Theo đó, Chi cục Kiểm lâm có 03 Phòng chuyên môn nghiệp vụ (có phòng Pháp chế Thanh tra, biên chế 05 cán bộ, công chức, trưởng phòng là đồng chí Phí Đức Quế), 01 Đội Kiểm lâm Cơ động, 13 Hạt Kiểm lâm, 02 Hạt Phúc kiểm lâm sản, 01 Trạm kỹ thuật bảo vệ rừng, 03 Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên. Các đơn vị Hạt, Đội Kiểm lâm cơ động có 01 cán bộ Pháp chế chuyên trách.
Thực hiện Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, ngày 16/10/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2006/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm; liên Bộ Nội vụ - Nông nghiệp và PTNT ban hành Thông tư liên tịch số 22/2007/TTLT-BNN-BNV ngày 27/3/2007 hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm ở địa phương. Theo đó, Chi cục Kiểm lâm chuyển từ UBND tỉnh về trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT.
UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 2395/QĐ-UBND ngày 05/8/2008 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Kiểm lâm. Theo đó, cơ cấu tổ chức của Chi cục gồm 05 phòng chuyên môn nghiệp vụ (có phòng Thanh tra Pháp chế, biên chế 04 công chức, trưởng phòng là đồng chí Lê Quốc Việt ( từ năm 2005 đến tháng 02/2013) và từ tháng 3/2013 là đồng chí Nguyễn Văn Vân), 02 Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR, 17 Hạt Kiểm lâm, 01 Vườn Quốc gia, 03 Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên. Ở các Hạt Kiểm lâm, Đội Kiểm lâm Cơ động và PCCCR, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia, các Khu BTTN có 01 cán bộ pháp chế chuyên trách.
Thực hiện Luật lâm nghiệp năm 2017; ngày 01/01/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 01/2019/NĐ-CP về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách Bảo vệ rừng; theo đó, ngày 30/7/2019, Chủ tịch UBND tỉnh có Quyết định số 3049/QĐ-UBND thành lập Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa trên cơ sở sáp nhập Chi cục Kiểm lâm và Chi cục Lâm nghiệp. Bộ máy của Chi cục có 06 phòng chuyên môn, 02 Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR, 17 Hạt Kiểm lâm huyên, liên huyện, 30 Trạm Kiểm lâm thuộc 13 Hạt Kiểm lâm huyện. Phòng Thanh tra Pháp chế có 07 công chức, trưởng phòng là đồng chí Nguyễn Văn Vân, trong đó có 04 Thạc sỹ, 02 Kỹ sư lâm nghiệp, 01 Cử nhân luật.
Như vậy, kể từ ngày thành lập năm 1973 đến nay, trong hệ thống tổ chức của Chi cục Kiểm lâm, đều có một phòng chuyên trách làm công tác Thanh tra pháp chế, có nhiệm vụ tham mưu cho Chi cục trưởng đảm bảo việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn toàn tỉnh.
Thực hiện Quyết định số 3049 và Quyết định số 674/QĐ-SNNPTNT ngày 25/9/2019 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT quy định chức năng, nhiệm vụ của phòng Thanh tra Pháp chế. Theo đó, phòng Thanh tra Pháp chế có nhiệm vụ: Tham mưu cho Chi cục trưởng: Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp;
Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch về công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lâm nghiệp;
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện các biện pháp chống chặt, phá rừng trái phép và các hành vi trái pháp luật xuân hại đến rừng và đất quy hoạch phát triển rừng;
Xử lý vụ các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp có tính chất phức tạp, liên quan đến địa bàn nhiều huyện; các vụ vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chi cục trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh; phân loại tin báo, tố giác về tội phạm, tiến hành kiểm tra, xác minh những vụ việc có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền của cơ quan Kiểm lâm để đề nghị Chi cục trưởng khởi tố vụ án theo quy định của Luật Tố tụng hình sự;
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ rừng khi rừng bị xâm hại;
Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong công tác lâm nghiệp ở địa phương; kiểm tra, thanh tra việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật lâm nghiệp đối với các chủ rừng và các hoạt động quản lý bảo vệ rừng, phát triển sử dụng rừng, giống cây lâm nghiệp, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản trong phạm vi toàn tỉnh theo quy định của pháp luật;
Quản lý, hướng dẫn việc sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, ấn chỉ, mẫu biểu xử phạt vi phạm hành chính, khởi tố điều tra hình sự; kiểm tra việc lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp; đề xuất xử lý kỷ luật đối với công chức vi phạm Luật xử lý vi phạm hành chính.
Thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về Lâm nghiệp; tham mưu giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân theo quy định của pháp luật; tham mưu thực hiện kiểm tra, tổng hợp, theo dõi, báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí trong toàn lực lượng;Chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm huyện, liên huyện phối hợp với các cơ quan, tổ chức, lực lượng khác trên địa bàn bảo vệ rừng thuộc sở hữu toàn dân nơi nhà nước chưa giao, chưa cho thuê;
Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về công tác thanh tra, quản lý vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, xử phạt vi phạm hành chính, khởi tố điều tra hình sự theo quy định của pháp luật; Phối hợp với phòng Tổ chức, tuyên truyền và xây dựng lực lượng xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền các quy định mới của pháp luật liên quan đến hoạt động Kiểm lâm, đồng thời chỉ đạo các đơn vị Kiểm lâm trực thuộc tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã, chủ rừng Nhà nước tuyên truyền đến cộng đồng dân cư.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong hoạt động của mình, tập thể công chức phòng Thanh tra pháp chế luôn tìm mọi giải pháp vượt qua khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; tập thể phòng và nhiều cá nhân được Đảng, Nhà nước tặng phần thưởng cao quý: 01 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba; 02 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; tập thể phòng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen, và nhiều năm được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, là tập thể Lao động Xuất sắc; nhiều cá nhân khác được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, của Chủ tịch UBND tỉnh, Giấy khen của Giám đốc Sở.
Nhìn lại chặng đường 50 năm đã qua, phòng Thanh tra Pháp chế tự hào và luôn đồng hành cùng lực lượng Kiểm lâm Thanh Hóa. Dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Chi cục, tập thể cán bộ, công chức phòng Thanh tra Pháp chế hôm nay tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, nỗ lực vượt qua khó khăn, vững bước tiến lên để tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng hơn nữa với trọng trách, nhiệm vụ, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh nhà./.