Trên cơ sở báo cáo và các ý kiến phát biểu, chỉ đạo tại hội nghị, Chi cục trưởng kết luận như sau:
I. Về báo cáo tổng kết công tác Kiểm lâm năm 2024
Hội nghị thống nhất cao với dự thảo báo cáo tổng kết công tác Kiểm lâm năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Giao Phòng Hành chính tổng hợp tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu tham dự hội nghị để hoàn thiện báo cáo; các phòng chuyên môn, đơn vị cơ sở bám sát chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, các nội dung trong báo cáo và thông báo này để quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2025.
II. Về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Năm 2024, trong bối cảnh có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tranh thủ tối đa sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Sở Nông nghiệp và PTNT, sự phối hợp kịp thời, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền cơ sở và các ban, ngành, đơn vị có liên quan, toàn ngành đã từng bước khắc phục khó khăn, quyết tâm phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực công tác. Nổi bật là (1) Các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; (2) An ninh rừng ổn định theo hướng bền vững, các nguy cơ cháy rừng được kiểm soát tốt; (3) Công tác quản lý, sử dụng, phát triển rừng, chế biến, thương mại lâm sản có nhiều chuyển biến, chất lượng được cải thiện; (4) Công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp được tăng cường; trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã và chủ rừng Nhà nước đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng được nâng lên; (5) Việc tháo gỡ điểm nghẽn trong lâm nghiệp, nhất là trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, triển khai các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực lâm nghiệp được tăng cường, hoạt động thu hút đầu tư có nhiều tiến triển (6) Công tác bảo tồn thiên nhiên, tài chính, cải cách hành chính, các chương trình, đề tài, dự án, nhiệm vụ khác được quan tâm thực hiện hiệu quả; (7) Công tác chỉ đạo điều hành được tăng cường theo hướng hiệu lực, hiệu quả hơn; (8) Công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật, kỷ cương hành chính được duy trì; đoàn kết nội bộ được giữ vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc chỉ đạo, xử lý một số vụ việc phát sinh tại một số đơn vị cơ sở còn chậm; công tác nắm bắt thông tin và phối hợp có thời điểm, có vụ việc chưa kịp thời và hiệu quả; công tác theo dõi DBR, quản lý việc đốt xử lý thực bì, phát dọn nương rẫy tại một số đơn vị chưa tốt; tại một số địa bàn vẫn tái diễn tình trạng người dân bẫy bắt chim hoang dã, chim di cư trái pháp luật; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại một số nơi có thời điểm chưa nghiêm.
III. Về định hướng nhiệm vụ năm 2025
Năm 2025 được xác định là năm bứt phá để đạt cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; ngành Lâm nghiệp và lực lượng Kiểm lâm nói riêng có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức được dự báo nhiều hơn. Để triển khai, tổ chức thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2025, Chi cục trưởng đề nghị các phòng, đơn vị, trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, giải pháp trọng tâm đã nêu trong báo cáo và các ý kiến phát biểu, chỉ đạo tại hội nghị, chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp phù hợp và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm, trong đó nhấn mạnh một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
1. Về nhiệm vụ chung:
- Bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra; hàng tháng, hàng quý phải tổ chức rà soát, đánh giá và có giải pháp chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời, phấn đấu đạt được ở mức cao hơn, chất lượng tốt hơn các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
- Đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin, nắm chắc diễn biến tình hình cơ sở, nhất là tại các khu vực trọng điểm để có biện pháp, giải pháp xử lý kịp thời; tăng cường theo dõi, hướng dẫn, tìm mọi biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
- Các phòng chuyên môn tích cực, chủ động trong công tác tham mưu; nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật, áp dụng linh hoạt, sáng tạo vào thực tiễn; thực hiện tốt vai trò hỗ trợ, hướng dẫn cơ sở; tham mưu làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện và chỉ đạo, xử lý kịp thời vụ việc phát sinh.
- Trên cơ sở chỉ đạo, định hướng của Chi cục, các đơn vị cơ sở tham mưu, cụ thể hóa ý tưởng, chủ trương của Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Kiểm lâm thành chủ trương của cấp ủy, kế hoạch của chính quyền địa phương và tham mưu thực hiện tốt các nội dung đã đề ra; tăng cường hoạt động kiểm tra, đôn đốc tại cơ sở.
- Thực hiện tốt công tác phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan, đảm bảo chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả; duy trì các cơ chế phối hợp đã thiết lập; quan tâm, làm chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa vai trò, trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền địa phương trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, làm tốt vai trò nêu gương của người đứng đầu, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
- Giữ gìn đoàn kết nội bộ; thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng; thực hiện có chiều sâu các phong trào thi đua; phối hợp chặt chẽ với Công đoàn quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho CC, VC, NLĐ.
2. Về giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực:
- Về quản lý rừng: Quản lý chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng; thực hiện tốt công tác quản lý ranh giới, loại rừng, chủ quản lý; thường xuyên đôn đốc để sớm hoàn thành việc bàn giao đất chồng lấn của các Ban quản lý rừng phòng hộ về địa phương quản lý; phối hợp với các cơ quan có liên quan từng bước giải quyết tình trạng chuyển nhượng rừng tự nhiên trái pháp luật; thực hiện tốt công tác cập nhật diễn biến tài nguyên rừng, tăng cường giám sát hiện trạng rừng qua ảnh vệ tinh.
- Về bảo vệ rừng: Thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền địa phương và của Nhân dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chú trọng các giải pháp phòng ngừa, phát hiện sớm vi phạm, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc phát sinh, không để trở thành “điểm nóng”; nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi pháp luật, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết không để những tồn tại kéo dài. Tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách khoán bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, tín chỉ các bon, tạo nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.
- Về phòng cháy chữa cháy rừng: Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng; nhận diện và kiểm soát tốt các nguy cơ gây cháy rừng, giải quyết triệt để các mâu thuẫn dẫn đến đốt phá hoại rừng, nhất là trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng các cấp; nâng cao năng lực ứng phó, xử lý các tình huống phát sinh của chủ rừng, chính quyền địa phương; tăng cường tuần tra, kiểm tra, trực gác lửa rừng trong thời gian cao điểm, không để bị động, bất ngờ; luôn chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, hậu cần để tham gia chữa cháy rừng.
- Về phát triển rừng: Tăng cường công tác quản lý giống cây lâm nghiệp; thúc đẩy, tăng tỷ lệ sử dụng giống mới có năng suất cao, giống nuôi cấy mô để đưa vào trồng rừng; khuyến khích trồng rừng gỗ lớn và thâm canh, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn để nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng; nhân rộng các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng với các loài dược liệu quý; thường xuyên rà soát quỹ đất trống để triển khai trồng rừng thay thế, đảm bảo kế hoạch được giao.
- Về sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản: Thúc đẩy liên doanh, liên kết trong sản xuất, gắn với quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng (FSC); quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến lâm sản xây dựng Phương án phát triển vùng nguyên liệu được cấp chứng chỉ để đáp ứng yêu cầu cho xuất khẩu; tham mưu xây dựng 02 thương hiệu lâm nghiệp của tỉnh Thanh Hóa là “Tre luồng xứ Thanh” và “Quế Thanh”; thực hiện tốt cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ngành cấp tỉnh (DDCI) trong lĩnh vực lâm nghiệp; tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ quy định của pháp luật đối với hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
- Về bảo tồn thiên nhiên: Thực hiện tốt các chương trình, đề tài, dự án; tham mưu trình phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại các khu rừng đặc dụng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội khu vực vùng đệm và trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc nâng hạng Khu BTTN Xuân Liên thành Vườn Quốc gia Xuân Liên; triển khai xây dựng phương án quản lý 04 khu rừng đặc dụng cảnh quan trên địa bàn tỉnh.
- Về tổ chức, xây dựng lực lượng: Tập trung thực hiện việc sắp xếp, tinh giảm bộ máy, biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, nhanh chóng ổn định tổ chức để hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định, phân công nhiệm vụ cho phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ CC, VC Kiểm lâm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao gắn với thực hiện tốt công tác đánh giá, quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ; tăng cường kiểm tra hoạt động công vụ, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của CC, VC Kiểm lâm; phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và trách nhiệm của mỗi CC, VC Kiểm lâm trong triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
- Về quản lý tài chính, tài sản: Chủ động xây dựng kế hoạch giải ngân các nguồn vốn được giao ngay từ đầu năm; thực hiện tốt công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, nhất là phương tiện ô tô, xe máy, trang thiết bị văn phòng; tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách và chi tiêu hành chính; tích cực đấu mối để triển khai mua sắm, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị cho toàn ngành, phục vụ tốt nhiệm vụ chuyên môn.
IV. Một số nhiệm vụ trước mắt cần quan tâm thực hiện:
- Các phòng chuyên môn, đơn vị cơ sở duy trì, làm tốt công tác tham mưu, triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu năm 2025, tuyệt đối không lơ là, sao nhãng công việc trong dịp Tết.
- Tập trung nguồn lực thực hiện tốt phương án BVR, PCCCR, đấu tranh chống BLLS dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, phấn đấu không để xảy ra mất ổn định an ninh rừng, cháy rừng trong dịp Tết. Tham mưu triển khai tốt phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.
- Đẩy mạnh hoạt động dọn dẹp vệ sinh, chỉnh trang trụ sở cơ quan. Quan tâm thăm hỏi, động viên gia đình chính sách, có hoàn cảnh có khăn trong lực lượng Kiểm lâm. Tổ chức cho CC, VC, NLĐ vui xuân, đón Tết an toàn, lành mạnh, vui vẻ, tiết kiệm; thực hiện nghiêm kỷ luật kỷ cương hành chính trong dịp Tết, đảm bảo quân số thường trực tại đơn vị để xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh. Quán triệt CC, VC, NLĐ thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong thời gian nghỉ Tết (không lái xe khi đã uống rượu bia; không mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo trái pháp luật).
- Kết thúc thời gian nghỉ lễ, các phòng chuyên môn, đơn vị cơ sở cần khẩn trương bắt tay vào công việc, tạo khí thế thi đua sôi nổi ngay từ những ngày đầu năm mới, góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2025.
Trên cơ sở báo cáo và những định hướng nhiệm vụ trong thông báo này, yêu cầu Trưởng các phòng chuyên môn, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc./.
Một số hình ảnh tại Hội nghị
(Đồng chí Lê Đức Thuận- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu chỉ đạo tại hội nghị)
(Đồng chí Đàm Văn Hùng- Chi cục trưởng phát biểu kết luận Hội nghị)
(Đồng chí Lê Duy Hượng- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng 2 phát biểu tại hội nghị)
(Trao thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2024)
(Đồng chí Lê Xuân Cải- Phó Chủ tịch phụ trách Công đoàn Chi cục phát động thi đua năm 2025)