Thanh tra pháp chế 20/04/2023:16:58:20
NÂNG CAO NĂNG LỰC THỰC THI PHÁP LUẬT CHO KIỂM LÂM– GIẢI PHÁP BẢO VỆ RỪNG BỀN VỮNG HIỆN NAY

             Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, hội nhập quốc tế, đồng nghĩa những công việc chung của nhân loại phải có sự chung tay gánh vác của các quốc gia, dân tộc; một trong những công việc chung đó chính là chống biến đổi khí hậu toàn cầu; trong đó có việc bảo vệ những cánh rừng. Hơn lúc nào hết, công tác bảo vệ, phát triển rừng được các chính trị gia, nhà kinh tế, môi trường hết sức quan tâm.

             Ở Việt Nam, trách nhiệm bảo vệ rừng thuộc về toàn dân, lực lượng Kiểm lâm là cơ quan tham mưu nòng cốt. Để làm tròn sứ mệnh của mình, những năm qua, lực lượng Kiểm lâm đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Nhà nước đã và đang không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật về lâm nghiệp.

             Năm 1954, sau khi một nửa đất nước được giải phóng, thì đến năm 1956, Liên Bộ: Nông lâm, Tài chính, Tư pháp đã ban hành Nghị định số 01/NĐ/LB bổ khuyết các Nghị định trước đó quy định về Điều lệ kiểm thu lâm sản. Người thực thi nhiệm vụ này là các cán bộ nông lâm của các Ty lâm nghiệp quốc doanh và các Lâm trường. Nhiệm vụ chính của các trạm kiểm thu lâm sản (tiền thân của lực lượng Kiểm lâm sau này) là thu thuế và kiểm thu lâm sản. Đây chính là manh nha của công tác thực thi pháp luật về lâm nghiệp (mới thực hiện kiểm đếm lượng lâm sản, thu thuế). Ngày 06/9/1972, Nhà nước ban hành Pháp lệnh Quy định việc bảo vệ rừng. Lần đầu tiên quy định về tổ chức Kiểm lâm Nhân dân. Ngày 21/5/1973, Chính phủ ban hành Nghị định 101/CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hệ thống tổ chức của Kiểm lâm Nhân dân. Trong đó, chức năng chính của Kiểm lâm là bảo vệ rừng, và thực thi pháp luật về bảo vệ rừng. Trải qua nhiều lần thay đổi về hệ thống tổ chức, nhưng chức năng chủ yếu của Kiểm lâm vẫn là thực thi pháp luật về lâm nghiệp.

             Tại Thanh Hóa, ngay khi mới thành lập (ngày 15/11/1973), Chi cục Kiểm lâm Nhân dân có 270 cán bộ, hầu hết được tuyển chọn từ các cán bộ kiểm thu lâm sản, bộ đội chuyển ngành; chỉ có 10 người có trình độ Đại học, còn lại hầu hết chưa được đào tạo về chuyên môn, kỹ thuật cũng như kiến thức pháp luật. Qua nhiều năm phấn đấu, Kiểm lâm Thanh Hóa đã ngày càng có bước phát triển vượt bậc. Từ năm 1987 đến năm 1990, Chi cục thực hiện kiện toàn đổi mới tổ chức, công tác cán bộ và giáo dục đào tạo; mở 2 Cuộc vận động về xây dựng lực lượng trong sạch vững mạnh, gắn với công tác phòng chống tham nhũng và triển khai kế hoạch đào tạo 5 năm. Đến năm 2000, đã có 3 người có trình độ Thạc sỹ; Đại học 107 người; Cao đẳng, Trung cấp 141 người; Sơ cấp 46 người; 13 người có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B, C; 50 người có chứng chỉ Tin học. Ngoài đào tạo về chuyên môn kỹ thuật, nhiều người còn được đào tạo về Quản lý Nhà nước, về lý luận chính trị, về pháp luật. Trải qua thời gian dài kiên trì đào tạo, đến nay, với trên 520 công chức, viên chức (bao gồm Chi cục Kiểm lâm và 04 Ban quản lý rừng đặc dụng), số người có trình độ Đại học và trên Đại học đã chiếm gần 80%. Đây là nguồn lực hết sức to lớn trong công cuộc bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh nhà.

             Tuy nhiên, trong một thời gian dài, công tác thực thi pháp luật vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Số công chức, viên chức có nghiệp vụ pháp luật rất ít, phần lớn được đào tạo từ ngành Lâm nghiệp và một số ngành kinh tế- kỹ thuật; việc thực thi pháp luật chỉ đơn thuần là bỏ gác chắn (ba rie) khi có phương tiện vận chuyển lâm sản qua Trạm; kiểm tra, kiểm đếm, thu thuế nuôi rừng, thuế tài nguyên là chính, xử phạt vi phạm ít; có thời điểm, nạn lâm tặc phá rừng, khai thác rừng diễn biến hết sức phức tạp, nhất là vào những năm cuối Thế kỷ XX, đầu Thế kỷ XXI; trên địa bàn tỉnh, hình thành nhiều ổ nhóm, đường dây buôn bán, vận chuyển lâm sản, động vật rừng; có thể kể đến nhóm “lâm tặc” Sơn “tích”, Hải “cọt” hoạt động manh động tại vùng giáp ranh huyện Như Xuân với huyện Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An; trong nội tỉnh, hình thành một “Thánh địa pơ mu” tại Bái Thượng (Thọ Xuân);  các đầu nậu buôn lậu gỗ tại phố Tô Vĩnh Diện, Hàng Than, Cầu Bố (thành phố Thanh Hóa); Đò Lèn (Hà Trung); thị trấn huyện Nga Sơn; Bỉm Sơn; phố Chuối, Vạn Thành (huyện Nông Cống); thị xã Sầm Sơn…Lực lượng Kiểm lâm đứng trước những thách thức lớn về nạn tàn phá rừng đầu nguồn và buôn lậu lâm sản. Lúc này, trách nhiệm thực thi pháp luật về bảo vệ rừng hơn lúc nào hết phải được đề cao; Giải pháp mang tính quyết định để xóa bỏ các đường dây, ổ nhóm lâm tặc thời điểm này, chính là tạo sự tin tưởng của cấp ủy, chính quyền cơ sở để có được sự đồng thuận; đồng thời cũng phải có sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan thực thi pháp luật khác, nhất là phải có được sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân. Nhận thức rõ vai trò và nhiệm vụ của mình, Kiểm lâm Thanh Hóa đã trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các đợt kiểm tra, truy quét lâm tặc. Chỉ một thời gian ngắn, băng nhóm Sơn “tích”, Hải “cọt” đã bị xóa sổ; các đầu nậu lâm sản ở các địa điểm khác trong tỉnh cơ bản bị xóa bỏ, hàng chục tên lâm tặc bị bắt, bị đưa ra xét xử; Trật tự quản lý lâm sản được thiết lập lại. Qua các đợt kiểm tra, truy quét lâm tặc, nghiệp vụ thực thi pháp luật của Kiểm lâm đã được nâng cao, không còn cảnh đứng tại Trạm để bắt giữ, kiểm tra, thu thuế như trước đây, Kiểm lâm đã về địa bàn các xã, thôn (bản) để thực thi pháp luật ngay tại gốc, xử lý vi phạm khi mới phát sinh. Bằng chứng là: Kiểm lâm Thanh Hóa đã đưa 121 kiểm lâm viên về phụ trách 144 xã có rừng, giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp và trực tiếp thi hành pháp luật lâm nghiệp tại địa phương. Đây có thể coi là thắng lợi lớn nhất của lực lượng trong công tác thực thi pháp luật.

             Tiếp nối thành công, lực lượng Kiểm lâm ngày càng thể hiện rõ bản lĩnh, vai trò của mình trong việc thực thi pháp luật về Lâm nghiệp; Đặc biệt, sau khi Luật Lâm nghiệp ra đời năm 2017, hệ thống pháp luật về lâm nghiệp đã cơ bản hoàn chỉnh, đồng bộ; việc thực thi pháp luật của Kiểm lâm cũng đã có sự thay đổi lớn. Đã xa rồi cái thời Kiểm lâm chỉ biết có bắt bớ, xử phạt, thu thuế. Ngày nay, Kiểm lâm phải là người hướng dẫn, định hướng giúp dân vừa bảo vệ được rừng, vừa phát triển kinh tế từ rừng; và cũng là người trực tiếp đưa pháp luật lâm nghiệp đến với dân, chủ rừng; xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ rừng. Điều này, đòi hỏi Kiểm lâm phải có kiến thức pháp luật, thành thục các kỹ năng chuyên môn. Chúng ta không chỉ quá đi sâu vào chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật lâm nghiệp, mà quên đi việc rèn rũa kỹ năng thực thi pháp luật. Có thời, Kiểm lâm chỉ quan tâm đến pháp luật Lâm nghiệp, mà quên đi tính hệ thống, tình phù hợp của các văn bản pháp luật khác có liên quan; chẳng hạn: Để thực hiện khởi tố một vụ án hình sự, thì phải nghiên cứu kỹ Luật tố tụng hình sự; Luật Hình sự; Luật tổ chức các cơ quan điều tra hình sự; việc tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm…; hoặc để xử phạt vi phạm hành chính, thì không chỉ quan tâm đến Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định xử phạt về lĩnh vực lâm nghiệp, mà còn phải quan tâm đến pháp luật về quản lý, bảo quản tang vật, xử lý tang vật VPHC bị tạm giữ, tịch thu; chuyển giao; thậm chí phải nghiên cứu các quy định của Bộ Luật Dân sự để xác định quyền sở hữu đối với tài nguyên rừng…; hoặc khi thực hiện một cuộc thanh tra chuyên ngành, thì không chỉ nghiên cứu về thanh tra chuyên ngành lâm nghiệp, mà còn phải nắm vững quy định của Luật Thanh tra, các văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, phương pháp viết kết luận thanh tra…; nói khác đi, khi giải quyết một vấn đề pháp luật phát sinh, phải đồng thời nghiên cứu, vận dụng, tham chiếu rất nhiều văn bản pháp luật khác có liên quan.

             Pháp luật có đến được người dân hay không? thì việc đầu tiên phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phố biến pháp luật. Để làm được việc việc này, không thể không nói đến kỹ năng Dân vận, làm cho dân hiểu rõ, rừng đã có chủ thì người phải trực tiếp bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng chính là chủ rừng; có sự quản lý của chính quyền, hướng dẫn, tham mưu, giúp đỡ của Kiểm lâm. Đây chính là cơ chế trách nhiệm; từ đó, mọi người cùng ý thức việc bảo vệ, phát triển rừng không phải chỉ là lực lượng Kiểm lâm. Để làm được việc này, phải có con người am hiểu pháp luật, am hiểu phong tục, tập quán nơi mình công tác. Đây có lẽ sẽ là vấn đề cần phải được giải quyết ngay, cộng với sự tự giác, tự học hỏi, tìm hiểu của mỗi công chức Kiểm lâm và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự năng động của người đứng đầu cơ quan Kiểm lâm.

             Vấn đề thứ hai: Công chức Kiểm lâm về cơ bản chưa được đào tạo bài bản, có hệ thống về pháp luật. Do đó, điều cần thiết là phải tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật. Người đứng đầu các đơn vị Kiểm lâm phải trực tiếp chỉ đạo đưa công chức thuộc quyền đi tập huấn, bồi dưỡng tại các cơ sở giáo dục pháp luật, hoặc mời báo cáo viên của Hội đồng phổ biến pháp luật các cấp, báo cáo viên của Sở Tư pháp, Công an, Viện KSND, Thanh tra, giảng viên của các Trường đào tạo về Luật… để tổ chức thực hiện;

             Vấn đề thứ ba: Thực thi pháp luật còn là việc phải nhận biết được hành vi vi phạm; vi phạm vào điều khoản nào, văn bản nào? điều khoản luật cần áp dụng để giải quyết vi phạm; giải quyết các tình huống phát sinh; kỹ năng giải quyết vấn đề khi có khiếu nại, tố cáo, kiến nghị?

             Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm thành lập lực lượng Kiểm lâm, nhìn lại quá khứ để chúng ta thêm tự hào về truyền thống của lực lượng qua bao thế hệ các bậc cha, anh đã làm được; tại sao thế hệ ngày nay không làm được? với bản lĩnh của mình, cùng với truyền thống được tôi rèn qua 50 năm, nhất định các thế hệ Kiểm lâm ngày nay và sau này sẽ làm được và viết tiếp trang sử hào hùng của lực lượng, phấn đấu đưa Kiểm lâm Thanh Hóa trở thành lá cờ đầu của Kiểm lâm cả nước./.

Tác giả: Thạc sỹ Luật Nguyễn Văn Vân-Trưởng phòng Thanh tra pháp chế - Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
Số lượt đọc : 553 - Cập nhật lần cuối: 20/04/2023 04:04:20 PM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành