Thanh tra pháp chế 18/01/2014:11:32:32
Thanh tra trách nhiệm của chính quyền cơ sở, chủ rừng trong quản lý, bảo vệ rừng - giải pháp giữ vững an ninh rừng tại gốc
Năm 2013, Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã xác định công tác thi đua khen thưởng, thanh tra Kiểm lâm vừa là mục tiêu, động lực, vừa là giải pháp trọng tâm xuyên suốt trong quan điểm chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của toàn lực lượng. Trên cơ sở đó, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, căn cứ tình hình thực tế, phối hợp thanh tra huyện xây dựng kế hoạch báo cáo Chủ tịch UBND huyện để chỉ đạo tổ chức thực hiện. Kết quả đạt được như sau:

Trong năm, các đơn vị đã tiến hành 23 cuộc thanh tra, trong đó: Thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của Chủ tịch UBND xã: 15 cuộc; thanh tra trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng của chủ rừng: 8 cuộc (trong đó có 3 chủ rừng nhà nước và 5 chủ rừng là hộ gia đình).

Thông qua kết quả thanh tra đã có tác động tích cực đến cấp ủy, chính quyền và các chủ rừng, thể hiện trên các mặt:

- Cấp ủy, chính quyền các địa phương được thanh tra đã thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, đặc biệt đối với Chủ tịch UBND. Từ chỗ cho rằng việc bảo vệ rừng là của cơ quan Kiểm lâm, thì nay chính quyền cấp xã đã thấy rõ đây là trách nhiệm của chính quyền và chủ rừng, Kiểm lâm là cơ quan tham mưu nòng cốt.

- Cấp ủy Đảng phải thực sự có quyết tâm chính trị cao, đặc biệt đối với những xã có diện tích rừng tự nhiên lớn, kinh tế phát triển chủ yếu từ lâm nghiệp. Đảng ủy xã phải có Nghị quyết chuyên đề về công tác lâm nghiệp để lãnh đạo chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân tổ chức thực hiện; chính quyền phải cụ thể hóa chủ trương của cấp ủy Đảng thành các giải pháp thiết thực, hiệu quả; các tổ chức, đoàn thể phải thực sự là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân cùng tham gia bảo vệ và phát triển rừng…

 

Tổ chức thanh tra tại BQL Khu BTTN Pù Luông 

Tuy nhiên, qua thực hiện công tác thanh tra cho thấy:

- Hầu hết các địa phương chưa xây dựng được quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng; một số địa phương chưa xây dựng được phương án, kế hoạch bảo vệ rừng hàng năm và cho cả thời kỳ 2010-2015; một số địa phương có xây dựng phương án BVR nhưng không xác định được khu vực trọng điểm về an ninh rừng và phương án bảo vệ vùng trọng điểm; ban hành văn bản chỉ đạo thiếu chặt chẽ, chung chung, không rõ trách nhiệm; phương án, kế hoạch xây dựng nhiều nhưng cơ bản trùng nhau, sao chụp lại từ các năm trước; triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên xuống thôn bản còn chậm chưa kịp thời, cá biệt có địa phương Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn không nắm rõ diện tích, ranh giới rừng của thôn, không nắm được số hộ gia đình được giao rừng và đất lâm nghiệp; tuyên truyền BVR ít, nội dung, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú, chưa phù hợp với nhận thức của đại đa số nhân dân miền núi.

- Đối với vai trò, trách nhiệm của các chủ rừng được thanh tra: Nhìn chung các chủ rừng đã triển khai đầy đủ các văn bản hướng dẫn của cấp trên về công tác BVR; tuy nhiên công tác chỉ đạo, điều hành về BVR còn yếu, rừng vẫn bị xâm hại nhưng chưa có giải pháp đấu tranh, ngăn chặn; một số chủ rừng là BQL rừng đặc dụng, RPH chưa tích cực tuần tra, bảo vệ rừng, khi phát hiện vi phạm về khai thác, xâm lấn rừng không tổ chức truy tìm đối tượng để xử lý, không báo cáo, có biểu hiện che giấu, không sử dụng biên bản do pháp luật quy định, lập biên bản ngoài luồng…

 

Để những cánh rừng luôn xanh… 

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền, chủ rừng trong quản lý, bảo vệ rừng, năm 2014 cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là: Các đơn vị rà soát, lựa chọn đúng đối tượng cần thanh tra, thủ trưởng các đơn vị phối hợp với thanh tra nhà nước huyện tham mưu báo cáo Chủ tịch UBND huyện về đối tượng cần thanh tra và đưa thành kế hoạch chung của thanh tra huyện và do thanh tra huyện chủ trì, Kiểm lâm tham gia thành phần trong Đoàn thanh tra. Đối với các huyện trọng điểm: Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Mường Lát, Quan Sơn, Bá Thước ít nhất tổ chức 2 cuộc gồm: 01 cuộc thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của UBND cấp xã; 01 cuộc thanh tra trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng của 01 chủ rừng (có thể là chủ rừng nhà nước hoặc chủ rừng là hộ gia đình). Ở các đơn vị còn lại tổ chức 01 cuộc (tùy tình hình thực tế địa bàn để lựa chọn thanh tra trách nhiệm của UBND cấp xã hoặc chủ rừng nhà nước).

Hai là: Việc thực hiện thanh tra phải xây dựng thành kế hoạch, có đề cương chi tiết các nội dung cần thanh tra; quá trình thực hiện phải tuân thủ chặt chẽ quy trình 35 (TCVN ISO 9001:2008); kết luận thanh tra phải thể hiện những mặt đã làm được, những tồn tại, hạn chế thiếu sót, vi phạm (nếu có); các giải pháp xử lý sau thanh tra. Các kết luận thanh tra phải được gửi về Chi cục để theo dõi, tổng hợp chỉ đạo.

Ba là: Sau khi có kết luận thanh tra phải theo dõi, giám sát quá trình sửa chữa, khắc phục sai phạm, tồn tại, khuyết điểm của đối tượng thanh tra, nếu không sẽ làm mất tác dụng của công tác thanh tra.

Bốn là: Thủ trưởng các đơn vị tham mưu cho HĐND huyện và chỉ đạo KLĐB tham mưu cho HĐND xã đưa nội dung giám sát của HĐND huyện, xã thành kế hoạch thường xuyên đối với trách nhiệm bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng của chính quyền, chủ rừng trên địa bàn.

Năm là: Thủ trưởng các đơn vị chủ động tham mưu và phối hợp thực hiện có hiệu quả Phương án giữ vững ổn định an ninh rừng, quản lý chặt chẽ nguồn lâm sản khai thác từ rừng tự nhiên đã được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt gắn với việc thực hiện nghiêm túc kế hoạch phối hợp lực lượng trong kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu lâm sản trên các tuyến, giữa Kiểm lâm với các cơ quan khác; chỉ đạo KLĐB tham mưu cho chính quyền đẩy mạnh công tác kiểm tra an ninh rừng tại gốc để sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời vi phạm, không để thành tụ điểm, điểm nóng về khai thác, phá rừng, xâm lấn rừng, buôn bán, kinh doanh, vận chuyển lâm sản ĐVHD trên địa bàn, đặc biệt là các chủ rừng nhà nước, chủ rừng là hộ gia đình được giao quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên./.

Tác giả: Nguyễn Duy Khải
Số lượt đọc : 917 - Cập nhật lần cuối: 18/01/2014 11:01:32 AM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành