Bảo tồn thiên nhiên 25/04/2023:08:31:00
Bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu BTTN Pù Hu, tỉnh Thanh Hóa, thực trạng và giải pháp
Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hu nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hoá, cách trung tâm Thành phố Thanh Hoá 135 km về phía Tây Bắc, trên đơn vị hành chính của 10 xã, thuộc 2 huyện Quan Hoá (Hiền Kiệt, Hiền Chung, Thiên Phủ, Nam Tiến, Phú Xuân, Phú Sơn, Phú Thanh, Trung Thành và Trung Sơn) và Mường Lát (xã Trung Lý) với diện tích 24.200,87 ha được bao bọc bởi 2 hệ thống sông lớn là sông Mã và sông Luồng.

        Khu BTTN Pù Hu thuộc hệ sinh thái chuyển tiếp giữa dãy núi Hoàng Liên Sơn và Bắc Trường Sơn là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật đặc hữu. Mặt khác, thảm thực vật rừng ở Khu BTTN Pù Hu cùng với các Khu BTTN như  khu BTTN Pù Luông huyện Bá Thước, khu bảo tồn loài Nam Động huyện Quan Hóa, Xuân Nha tỉnh Sơn La, tạo nên tính liên vùng đóng vai trò phòng hộ đầu nguồn rất quan trọng đối với lưu vực sông Đà và sông Mã. Ngoài ra, thảm thực vật của Khu BTTN Pù Hu còn đóng vai trò điều hòa khí hậu, góp phần duy trì cân bằng sinh thái, giúp các hệ sinh thái trong phạm vi khu bảo tồn phát triển bền vững, bảo vệ được tính ĐDSH cao.

        Mục tiêu của Khu bảo tồn là bảo vệ và phát triển diện tích rừng đặc dụng nói chung và bảo tồn các loài động thực vật hiện có, đặc biệt là các loài đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm; bảo tồn, phục hồi môi trường sinh thái, bảo vệ và nâng cao giá trị ĐDSH, góp phần nâng cao năng lực phòng hộ đầu nguồn phía Tây lưu vực sông Mã và sông Luồng. Hệ thực vật Khu BTTN Pù Hu ghi nhận được với tổng số 1.725 loài thực vật thuộc 696 giống, 170 họ và 71 bộ, 12 lớp và 6 ngành. Hệ thực vật Pù Hu có tổng số 52 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam 2007. Trong đó cấp độ Rất nguy cấp (CR) có 03 loài (Vù hương, Đài mác, Kim cang Petelot), Nguy cấp (EN) có 15 loài (Kim tuyến đá vôi, Đinh vàng, Ngũ gia bì gai,…), sẽ nguy cấp (VU) có 33 loài (Rau sắng, Mã tiền hoa tán, Ba gạc vòng, …) và ít nguy cấp (LR) có 01 loài (Nghèn). Theo tiêu chuẩn của IUCN, hệ thực vật Pù Hu có 93 loài được ghi nhận có tên trong danh sách này. Trong đó có 03 loài ở mức rất nguy cấp – CR (Sao Hòn gai, Táu Mặt quỷ,…); 04 loài ở mức nguy cấp – EN (Chò chỉ, Vù hương, …); 16 loài ở mức sẽ nguy cấp –VU (Máu chó Lá to, Máu chó Bắc bộ,…); 20 loài ít nguy cấp– LR (Thông nàng, Bạch tùng, Kim giao núi đất,…); 48 loài ở mức lo ngại – LC (Gắm lá nhỏ, Cỏ chân vịt, Sài đất…) Hệ động vật không những phong phú về chủng loài mà một số loài còn tập trung với mật độ cao. Theo công trình nghiên cứu thuộc Dự án lập danh lục khu hệ động thực vật Khu BTTN Pù Hu đã ghi nhận được tổng số 915 loài động vật, trong đó: Khu hệ động vật nổi: đã Ghi nhận được 54 loài thuộc 32 giống, 18 họ của 2 ngành; Khu hệ động vật đáy: đã ghi nhận được 105 loài thuộc 83 giống, 44 họ của 3ngành: Trong đó có 28 loài có tên trong IUCN (Ốc vặn, Ốc đá, …) và 2 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam (Ốc mút hình tháp, Cua suối Kim bôi); Khu hệ Côn trùng: đã ghi nhận được 350 loài Côn trùng thuộc 239 giống của 77 họ. Trong đó có 05 loài có tên trong IUCN 2013 và 01 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam (Bươm bướm phượng cánh chim chấm liền); Khu hệ cá: đã ghi nhận được 60 loài thuộc 43 giống, 16 họ và 5 bộ. Trong đó có 14 loài có tên trong IUCN (Cá niết, Cá hỏa, Cá chiên, …) và 01 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (Cá hỏa). Khu hệ lưỡng cư: đã ghi nhận được có 33 loài thuộc 17 giống, 07 họ, 01 bộ duy nhất là bộ không đuôi Anura. Trong đó có 27 loài có tên trong IUCN và Sách đỏ Việt Nam (Cóc Gai rừng, Ếch xanh, Nhái bầu vân, …); Khu hệ bò sát: đã ghi nhận được 53 loài thuộc 39 giống, 14 họ, 2 bộ. Trong đó có 29 loài có tên trong IUCN (Rùa hộp trán vàng, Rùa hộp ba vạch,…), 16 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (Trăn gấm, Kỳ đà vân, Rắn sọc dưa, …) và 13 loài có tên trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP (Kỳ đà hoa, Trăn mốc, Rắn hổ mang bành..); Khu hệ Chim: đã ghi nhận được 186 loài thuộc 124 giống, 46 họ, 14 bộ. Trong tổng số 186 loài chim được ghi nhận có 163 loài có tên trong IUCN, có 02 loài trong sách đỏ Việt Nam và 07 loài có tên trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP. Các loài như: Gà tiền mặt vàng, Gà lôi trắng, …); Khu hệ Thú: đã ghi nhận được có 74 loài thuộc 54 giống, 24 họ, 8 bộ. Trong tổng số 74 loài thú được ghi nhận có 57 loài có tên trong IUCN, 30 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và 30 loài có tên trong Nghị đinh 06/2019/NĐ-CP.

        Với diện tích được giao quản lý: 28.379,83 ha rừng và đất lâm nghiệp (Rừng đặc dụng: 24.200,87 ha, Rừng sản xuất: 4.178,96 ha), trải dài trên địa bàn của 10 xã và 54 thôn bản vùng đệm. Diện tích rộng lớn, giàu tài nguyên, tính đa dạng sinh học cao kèm theo đó là sự phức tạp và khó khăn kinh tế và xã hội đặt ra một thách thức không hề nhỏ cho đơn vị trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Để thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn đa dạng sinh học trong những năm tới, Khu BTTN Pù Hu đưa ra một số giải pháp nhằm mang lại hiệu quả cao nhất, cụ  thể như sau:

        Quản lý bảo vệ, phát triển rừng là trọng yếu, thường xuyên: Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động về bảo tồn nhằm phục hồi môi trường sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học. Nâng cao khả năng giá trị phòng hộ đầu nguồn hệ thống sông Mã, sông Luông, cung cấp nguồn sinh thủy cho các nhà máy thuỷ điện Trung Sơn, Thành Sơn, Bá Thước 1, Bá Thước 2, Cẩm Thủy..., đảm bảo nguồn nước tưới cho diện tích đất nông nghiệp, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho vùng hạ lưu của tỉnh Thanh Hóa. Phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và lưu trữ nguồn gen động thực vật rừng, phát triển du lịch sinh thái. Kết hợp hài hoà chức năng quản lý nhà nước và cơ chế cộng đồng địa phương đồng quản lý; ứng dụng công nghệ trong bảo vệ, điều tra tài nguyên rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học gắn với tạo sinh kế cho các cộng đồng dân cư sống ven rừng nhằm tạo ra các hệ sinh thái rừng bền vững; bảo tồn đa dạng sinh học, cung ứng các dịch vụ môi trường rừng, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần hạn chế thiên tai, chống biến đổi khí hậu. Phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng, chính quyền các xã trên địa bàn 02 huyện Quan Hóa, Mường Lát quản lý có hiệu quả cưa xăng; thu hồi súng săn; đánh giá hiệu quả phối hợp.

        Chương trình phục hồi sinh thái: Phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng; nâng cao hiệu quả bảo tồn các loài hoang dã, đặc biệt các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; nguồn gen được duy trì bảo tồn và phát triển. Phục hồi các loài cây bản địa, khoanh nuôi tái sinh diện tích rừng tự nhiên có cây Giổi xanh, Chò chỉ, Vàng tâm, Sến mật, Lim xanh, Giổi ăn hạt…Thu hút các nguồn vốn để đầu tư cho công tác trồng rừng đặc dụng bằng các loài cây bản địa, loài cây đa tác dụng.

        Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế là trọng tâm, nền tảng: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học để quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu bảo tồn làm cơ sở để xây dựng chiến lược bảo tồn, chú trọng tập trung vào các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu, nghiên cứu phục hồi tài nguyên hệ động thực vật, các nghiên cứu ứng dụng tạo ra các sản phẩm thu nhập cho cộng đồng địa phương. Thu hút đầu tư, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để nâng cao vào hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần tích cực bảo vệ rừng và đa dạng sinh học.

        Điều tra, bảo tồn các loài Linh trưởng, các loài Chim, các loài Gà nguy cấp, quý hiếm; điều tra, bảo tồn 02 loài Rùa đầu to và Rùa núi viền; điều tra bảo tồn các loài Mang, các loài Gấu; Nghiên cứu gây trồng và phát triển các loài lan quý như Lan, các loài cây dược liệu như Bách bộ, Mạch môn, Cát Sâm, thiên niên kiện,... phục vụ bảo tồn và tạo sản phẩm hàng hóa. Lựa chọn được các loài Dược liệu có giá trị cao có thị trường tiêu thụ như Sa nhân tím, Ba kích, Bảy lá một hoa, Ngải đen, Chè hoa vàng, sâm báo. Phát triển và triển khai được kỹ thuật trồng trọt, thu hái và chế biến dược liệu đạt tiêu chuẩn theo hướng GACP gắn với chế biến.

        Phát triển kinh tế vùng đệm là giải pháp toàn diện: Từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân địa phương gắn với công tác bảo tồn đa dạng sinh học, lồng ghép chương trình phát triển kinh tế vùng đệm với các Chương trình mục tiêu quốc gia là: Chương trình nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo và Chương trình giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần ổn định nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân làm giảm các áp lực đối với công tác bảo tồn thiên nhiên. Tiếp tục hỗ trợ cộng đồng dân cư các thôn bản vùng đệm quản lý rừng đặc dụng theo Quyết định 24/2012/QĐ-TTg.

        Phát triển du lịch là chiến lược lâu dài: Thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái bền vững, du lịch cộng đồng gắn với Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với tiềm năng, lợi thế và điều kiện thực tế của khu bảo tồn, khai thác đặc trưng về vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên đặc trưng về văn hóa bản địa. Phát triển du lịch có thể là cách để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về tài nguyên của  Khu BTTN Pù Hu cho bạn bè trong nước và quốc tế.

        Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ quản lý: Xây dựng 01 khu nhà Bảo tàng động, thực vật phục vụ cho việc lưu trữ và trưng bày các mẫu tiêu bản động, thực vật, các loại sách chuyên ngành, hình ảnh các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại đơn vị; Xây dựng mới trạm Kiểm lâm Hiền Chung, Nam Tiến và cải tạo các trạm Kiểm lâm đã bị xuống cấp để đảm bảo điều kiện ăn ở, làm việc của cán bộ Kiểm lâm; Xây dựng 01 nhà công vụ, quy mô hai tầng, gồm 10 phòng đặt tại khu vực Văn phòng Ban quản lý, Khu Khằm, thị trấn Quan Hoá.

        Xây dựng đảng, hệ thống chính trị là then chốt, xây dựng đội ngũ cán bộ là nhân tố quyết định: Chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; Xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm với nhiệm vụ, làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với quy hoạch, kế hoạch bố trí và sử dụng cán bộ, đặc biệt trú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức cách mạng; có trình độ chuyên môn cao, có năng lực thực tiễn tốt; có tư duy, phương pháp làm việc khoa học; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và luôn xả thân, hy sinh vì mục tiêu, nhiệm vụ lợi ích chung của ngành, của đơn vị, chỉ có như vậy, mới xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.

        Chương trình giáo dục môi trường và bảo tồn ĐDSH: Tổ chức các chương trình giáo dục pháp luật, giáo dục ý thức bảo vệ thiên nhiên trong các trường học trên địa bàn 10 xã vùng đệm. In ấn tài liệu tập huấn giáo dục môi trường, tờ rơi, tuyên truyền, nâng cấp trang Website giới thiệu về Khu bảo tồn./.

Ba kích tím (Morinda officinalis How)

Cây Chò xanh (Terminalia myriocarpa)

Tác giả: Thạc sĩ. Đỗ Ngọc Dương – Giám đốc Khu BTTN Pù Hu
Số lượt đọc : 402 - Cập nhật lần cuối: 25/04/2023 08:04:00 AM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành