Xây dựng lực lượng 23/05/2023:07:42:18
Kiểm lâm Thanh Hóa nhìn lại chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển

         Ngày 21/5/1973, Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành Nghị định “quy định hệ thống tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm Nhân dân”, từ đó ngày 21/5 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Kiểm lâm Việt Nam. Cùng với sự hình thành của lực lượng Kiểm lâm cả nước, ngày 15/11/1973, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa được thành lập theo Quyết định số 63/TCCB của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp.

         Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, dù ở các giai đoạn khác nhau hệ thống tổ chức và bộ máy có nhiều thay đổi, nhưng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa luôn không ngừng làm tốt công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức (CC,VC); luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, là công cụ không thể thiếu của chính quyền các cấp, là chỗ dựa vững chắc của chủ rừng và Nhân dân trên mặt trận BVR, PTR và có những đóng góp vô cùng quan trọng trong việc ổn định đời sống xã hội của Nhân dân, nhất là đối với các huyện trung du, miền núi trong tỉnh.

         Ngày đầu thành lập, với biên chế 270 cán bộ, CC,VC, NLĐ, trong đó có tới 79% CB, CC chưa qua đào tạo, 9,1% có trình độ Sơ cấp, 8,2% Trung cấp, 3,7% Đại học, cao đẳng; Văn phòng chi cục có 5 phòng, 16 Hạt Kiểm lâm và phúc kiểm lâm sản trực thuộc; 54 Trạm Kiểm lâm và phúc Kiểm lâm sản, đến nay, trải qua nhiều lần thay đổi về tổ chức, lực lượng Kiểm lâm Thanh Hóa gồm có: Chi cục Kiểm lâm (với 6 phòng chuyên môn, 19 Hạt, Đội kiểm lâm trực thuộc, 30 Trạm Kiểm lâm); 4 Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia Bến En và 3 Khu BTTN Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên, với tổng biên chế 544 người; 100% CC, VC đã qua đào tạo, trong đó có trên 90% có trình độ đại học và trên đại học.

         Trong 50 xây dựng và phát triển, Kiểm lâm Thanh Hóa không ngừng đổi mới sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao đúng với chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật ở từng thời kỳ.

         * Giai đoạn 1973 -1986: Dù thay đổi về tổ chức với vô vàn khó khăn của những ngày đầu thành lập nhưng lực lượng Kiểm lâm Thanh Hóa vẫn không ngừng lớn mạnh và trưởng thành; từng bước khẳng định vai trò tham mưu và thừa hành pháp luật BVR, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở trung du, miền núi. Thực hiện chi viện cán bộ làm nhiệm vụ BVR cho các tỉnh phía Nam sau giải phóng, Kiểm lâm Thanh Hóa đã 3 lần chi viện với tổng số 40 cán bộ, trong đó 6 người đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ, các đồng chí còn lại luôn phấn đấu hết mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

         * Giai đoạn 1986-1995: Là giai đoạn toàn quốc thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, đất nước với nhiều thành phần kinh tế cùng song song phát triển, lực lượng Kiểm lâm đã làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong QLR và thừa hành pháp luật BVR. Hoạt động quản lý, BVR bước đầu được triển khai khá toàn diện. Các hoạt động về quản lý nương rẫy, PCCCR và phòng trừ sâu bệnh hại rừng được chú trọng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được coi trọng cả về hình thức và nội dung. Các biện pháp BVR được tăng cường, công tác BVR tại gốc bước đầu được thực hiện, giảm bớt các hoạt động kiểm soát trung gian, xây dựng, thành lập hệ thống các tổ, đội BVR ở cơ sở. Trong quá trình đấu tranh chống lâm tặc nhiều cán bộ, chiến sỹ đã không quản gian khổ, không ngại khó khăn, ngày đêm bám rừng, sát dân đối mặt với lâm tặc để hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhiều đồng chí kiểm lâm viên bị thương hoặc anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Kết quả từ khi thành lập đến hết năm 1995 Kiểm lâm Thanh Hóa đã phát hiện lập hồ sơ xử lý gần 55.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực QLBVR và QLLS, trong đó xử lý hình sự 81 vụ; tịch thu trên 40.400 m3 gỗ và hơn 24.700 kg động vật rừng.

         * Giai đoạn 1996-2015: Tổ chức bộ máy của Kiểm lâm Thanh Hóa tiếp tục có nhiều biến động. Các Hạt Kiểm lâm: Quan Sơn, Mường Lát, Như Thanh, Ven Biển, Thành phố và 3 Khu BTTN: Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên được thành lập. Chi cục Kiểm lâm từ trực thuộc UBND tỉnh chuyển về trực thuộc Sở Nông nghiệp &PTNT; Vườn Quốc gia Bến En và 3 Khu BTTN: Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên từ trực thuộc Chi cục Kiểm lâm chuyển về trực thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT.

         Thời kỳ này kinh tế - xã hội nước ta nói chung và Thanh Hóa nói riêng có bước phát triển nhảy vọt, công tác BVR cần có chủ trương, giải pháp pháp lớn nhằm đổi mới phù hợp với tình hình thực tiễn... Xuất phát từ yêu cầu trên Chi cục Kiểm lâm đã chủ động chủ trì phối hợp với các ngành và UBND các huyện tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện Đề án xã hội hóa công tác BV&PTR, đưa 121 Kiểm lâm viên xuống công tác tại địa bàn 144 xã có diện tích từ 500 ha rừng trở lên. Hoạt động của Kiểm lâm cũng có nhiều thay đổi từ hoạt động kiểm tra, kiểm soát lâm sản tại trạm là chính chuyển sang hoạt động “sát dân, bám rừng”, tham mưu, đấu tranh ngăn chặn vi phạm tại gốc. Kết quả đến năm 2015, Kiểm lâm Thanh Hóa và chính quyền các cấp đã phát hiện và xử lý 117.000 vụ vi phạm Luật BV&PTR trong đó xử lý hình sự 165 vụ, tịch thu trên 70.000 m3 gỗ các loại, 130.000 kg động vật và sản phẩm động vật hoang dã.

         * Giai đoạn 2016 – 2023: Lực lượng Kiểm lâm Thanh Hóa tiếp tục có sự thay đổi, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa được thành lập trên cơ sở tháp nhập và tổ chức lại Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa và Chi cục Lâm nghiệp Thanh Hóa. Theo đó chức năng, nhiệm vụ của Kiểm lâm Thanh Hóa cũng có thay đổi, từ tham mưu công tác QLR, BVR và thi hành luật BV&PTR là chủ yếu sang tham mưu toàn diện về công tác Lâm nghiệp theo chuỗi giá trị: từ QLR, BVR, PTR cho đến khai thác sử dụng rừng và chế biến, tiêu thụ lâm sản, đồng thời đảm bảo chấp hành pháp luật về Lâm nghiệp.

         Tiếp tục phương châm “sát dân, bám rừng” lực lượng Kiểm lâm đã ngày đêm bám sát địa bàn kiên trì tham mưu cho cấp ủy, chính quyền vận động Nhân dân, tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về QLR, BVR, PTR. Làm tốt công tác phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội trong công tác BVR, PCCCR, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, đấu tranh trấn áp các ổ nhóm lâm tặc, các đường dây buôn lậu lâm sản. Nhờ đó, số vụ vi phạm Luật BV&PTR hàng năm giảm đáng kể, đặc biệt là không để hình thành các “điểm nóng” về phá rừng, buôn bán lâm sản trái phép. Kết quả từ năm 2016 đến 31/3/2023, lực lượng Kiểm lâm toàn tỉnh đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý gần 3.900 vụ vi phạm luật Lâm nghiệp. Tịch thu gần 3.500 m3 gỗ các loại; 3.000 kg động vật rừng và sản phẩm động vật rừng, trong đó xử lý hình sự 33 vụ (Bình quân hàng năm trong giai đoạn này so với giai đoạn 1996-2015 đã giảm 90% về số vụ vi phạm và 81% khối lượng lâm sản bị thiệt hại do vi phạm gây ra).

         * Ngoài việc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định, trong năm 50 xây dựng và phát triển Kiểm lâm Thanh Hóa đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai và tổ chức thực hiện xuất sắc nhiều nhiệm vụ, giải pháp mang tính chiến lược, đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, nhất là đối với các huyện trung du và miền núi trên địa bàn tỉnh. Nổi bật là tham mưu thực hiện việc GĐLN cho các tổ chức, hộ gia đình cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mực đích lâm nghiệp; Thực hiện đề án di dân, ổn định dân di cư tự do đối với đồng bào H’Mông ở các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn; Rà soát quy hoạch 3 loại rừng; thành lập Vườn Quốc gia Bến En, 03 khu BTTN Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên và Khu bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động huyện Quan Hóa; Chỉ đạo nhân dân trồng rừng theo Quyết định 147/QĐ-TTg; Thực hiện dự án Hiện đại hóa Nông nghiệp, v.v…

Phong cảnh rừng khu bảo tồn loài hạt trần quý hiếm Nam Động huyện Quan Hóa

         Bên cạnh đó, trong 50 năm tổ chức thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Kiểm lâm Thanh Hóa luôn thể hiện truyền thống “đổi mới, tiên phong, sáng tạo” với nhiều nhiệm vụ được đánh giá cao, được coi là tiên phong trong tỉnh và đã trở thành những bài học quý báu, quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của lực lượng Kiểm lâm toàn quốc như: Việc đưa kiểm viên về công tác tại địa bàn xã (Thanh Hóa thực hiện năm 2000, năm 2005 Bộ NN&PTNT mới triển khai thực hiện); việc ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thám trong hoạt động của Kiểm lâm (giai đoạn 1997-2005); thực hiện tốt công tác thi đua với nhiều phong trào được phát động và thực hiện thiết thực, hiệu quả như: phong trào “Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến”, phong trào Xây dựng hình CC,VC Kiểm lâm Thanh Hóa “bản lĩnh, sáng tạo, văn minh, thân thiện”, Phong trào “CC,VC Kiểm lâm Thanh Hóa tham gia xây dựng Nông thôn mới”,...; cùng với đó hoạt động nghiên cứu khoa học với hàng trăm đề tài, dự án khoa học được quan tâm triển khai thực hiện,....

          Trải qua chặng đường 50 năm đầy gian nan, thử thách nhưng cũng hết sức vinh quang, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa đã linh hoạt sáng tạo trên dưới một lòng gắn bó máu thịt với chính quyền và nhân dân các dân tộc miền núi, từng bước lớn mạnh về trí tuệ, tầm vóc, bản lĩnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong công tác BVR, góp phần xứng đáng trong việc phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp miền núi Thanh Hóa, đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới và xây dựng CNH, HĐH đất nước. Ghi nhận những thành tích đã đạt được trong 50 năm xây dựng và phát triển của lực lượng Kiểm lâm Thanh Hóa, hàng trăm lượt tập thể, cá nhân đã được Nhà nước, Chính phủ, Bộ, ngành, UBND tỉnh Thanh Hóa khen thưởng; Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, nhiều Bằng khen và Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, Bộ, ngành, UBND tỉnh.

Lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất

Lễ kỷ niệm 40  năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2013

         Bước vào thời kỳ mới, nhiệm vụ quản lý, BV&PTR hết sức nặng nề, đòi hỏi lực lượng Kiểm lâm phải sẵn sàng tâm thế, nâng cao hơn nữa năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, với những bài học thành công và chưa thành công trong quá trình hoạt động, lực lượng Kiểm lâm Thanh Hóa tiếp tục phấn đấu hết mình, làm tốt vai trò tham mưu giúp cấp ủy và chính quyền tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QLBVR, PTR, đảm bảo an ninh rừng trên địa bàn ổn định theo hướng bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

 

          

 

 

Tác giả: Nguyễn Duy Vĩnh – Trưởng phòng Tổ chức, TT&XDLL, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
Số lượt đọc : 629 - Cập nhật lần cuối: 23/05/2023 07:05:18 AM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành