Tin tức - Sự kiện 20/04/2023:13:44:17
“ĐỀ ÁN 500” TỪ QUAN ĐIỂM LẤY DÂN LÀM GỐC

          Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng phát huy tinh thần làm chủ của Nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của Nhân dân. “Lấy dân làm gốc”  vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là bí quyết thắng lợi của mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nhằm nâng cao đời sống vật chất, văn hoá và tinh thần của Nhân dân và do Nhân dân xây dựng. Nghĩa là phải phát huy tinh thần làm chủ và tinh thần sáng tạo của Nhân dân; Nhân dân là chủ thể tham gia cụ thể vào công việc quản lý sản xuất và đời sống của mình; phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của Nhân dân thông qua các tổ chức đoàn thể đại diện. Những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối, chính sách, đến cơ chế tổ chức có liên quan đến sinh mệnh, cuộc sống, tương lai hy vọng của hàng chục triệu quần chúng Nhân dân, nếu không có ý kiến của quần chúng, không tập hợp được trí tuệ của quần chúng sẽ không tránh khỏi những hạn chế sai lầm.

          Trên cơ sở thực tiển các chủ trương của Đảng, cơ chế chính sánh của Nhà nước về công tác Lâm nghiệp cơ bản đầy đủ; trên địa bàn toàn tỉnh đã hoàn thành công tác giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích Lâm nghiệp, rừng đã có chủ đích thực, quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ rừng được qui định rõ ràng; chủ trương xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ rừng, theo Quyết định số 38/QĐ-UB ngày 07/01/2000, đã đưa Kiểm lâm viên về xã giúp cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch quản lý, bảo vệ  và phát triển rừng, đã chuyển đổi cơ bản phương thức hoạt động từ kiểm tra kiểm soát lâm sản tại các trạm Kiểm lâm chuyển sang phương thức BVR tại gốc với sự tham gia của chủ rừng, của cả hệ thống chính trị ở cơ sở do cấp ủy Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, Kiểm lâm làm tham mưu.

          Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ quản lý rừng (QLR), bảo vệ rừng (BVR), sử dụng và phát triển rừng (SD&PTR), trên cơ sở những những thành tựu đã đạt được. Năm 2013, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa xây dựng Đề án “Tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị, đề nghị của Nhân dân về công tác Kiểm lâm”, ban hành kèm theo Quyết định số 500/QĐ-CCKL ngày 26/9/2013 (Đề án 500). Nhằm phát huy những kết quả đạt được để tạo lập được niềm tin vững chắc của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân đối với lực lượng Kiểm lâm để mọi thông tin đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, hoạt động của Kiểm lâm phải được Nhân dân biết, dân bàn, dân thông tin, dân đề nghị, dân phản ánh, kiến nghị kịp thời đúng người, đúng việc đến các cấp Kiểm lâm; làm rõ trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết đúng thẩm quyền của từng cấp Kiểm lâm theo quy định của pháp luật một cách kịp thời, khách quan, minh bạch.

          Quan điểm của Đề án là xây dựng thống nhất cơ chế tiếp nhận thông tin từ cơ sở đến lãnh đạo chính quyền, Kiểm lâm các cấp một cách cụ thể, rõ ràng, thuận tiện đảm bảo kịp thời, chính xác, hiệu quả; công khai nội dung, hình thức tiếp nhận thông tin minh bạch, dễ nhận biết, phù hợp với phong tục, tập quán của người dân, đảm bảo bí mật thông tin người phản ánh; tổ chức xử lý thông tin đúng trách nhiệm, thẩm quyền, kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Mục tiêu của Đề án là nắm bắt kịp thời các thông tin phản ánh, kiến nghị, đề nghị của Nhân dân ngay từ cơ sở liên quan đến công tác QLBVR, QLLS và hoạt động của Kiểm lâm; tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể, phù hợp với phong tục, tập quán ở từng nơi để  người dân phản ánh, kiến nghị, đề nghị những nội dung liên quan đến Kiểm lâm; nâng cao ý thức, trách nhiệm, năng lực, trình độ nghiệp vụ của cán bộ, KLĐB, lãnh đạo Kiểm lâm các cấp trong việc giải quyết thông tin phản ánh, kiến nghị, đề nghị của Nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho CC, VC Kiểm lâm hoạt động ở cơ sở, gần gũi, lắng nghe ý kiến phản ánh của Nhân dân trong công tác QLBVR, QLLS và được triển khai rộng rãi đến CC, VC Kiểm lâm, cấp ủy Đảng chính quyền địa phương, người có thẩm quyền giải quyết phản ánh, kiến nghị, đề nghị của Nhân dân về công tác Kiểm lâm để tổ chức thực hiện theo thẩm quyền và trách nhiệm được giao gắn với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, CC, VC có phong cách làm việc “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói”, “Nói dân hiểu”, “Hướng dân dân làm”, “Làm dân tin”. Thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, nắm bắt tình hình Nhân dân để giải quyết những bức xúc, nguyện vọng cấp thiết chính đáng của Nhân dân phải kịp thời, chính xác; khắc phục kịp thời bệnh thành tích, hành chính, quan liêu xa dân, tạo thế trận bảo vệ an ninh rừng vững chắc từ cơ sở theo hướng xã hội hóa.

          * Kết quả thực hiện Đề án:

          Qua gần 10 năm triển khai, tổ chức thực hiện Đề án 500 trên địa bàn toàn tỉnh về cơ bản, các đơn vị Kiểm lâm đã phối hợp chặt chẽ với Ban dân vận Huyện ủy, Ủy Ban MTTQ huyện tham mưu cho cấp ủy Đảng, Chính quyền từ huyện đến cơ sở chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung của Đề án; Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; các tổ chức chính trị xã hội vào cuộc quyết liệt bằng việc tuyên truyền giao ban đối thoại lắng nghe ý kiến phản hồi của Nhân dân để giải quyết từng việc cụ thể phát sinh, nhất là các vấn đề nổi cộm ở từng địa bàn, từng tuyến, vùng giáp ranh, sớm có kết luận cụ thể và chỉ đạo giải quyết dứt điểm không để vụ việc kéo dài thành “điểm nóng”...xây dựng được lòng tin là chỗ dựa vững chắc đáng tin cậy để Nhân dân phản ảnh, thông tin về các đối tượng, đường dây, ổ nhóm hoạt động phá rừng, khai thác rừng trái phép; giải quyết kịp thời, thỏa đáng, khách quan, trung thực, không quan liêu, hách dịch, dọa nạt dân, sách nhiễu dân khi họ có việc cần Kiểm lâm giúp đỡ và hành động theo phương châm “giúp người chính là cứu mình”, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh.

          - Kết quả, từ tháng 10/2013 đến tháng 3/2023 toàn tỉnh lực lượng Kiểm lâm đã tiếp nhận và xử lý gần 10.800 thông tin phản ánh, đề nghị, khiếu nại, tố cáo của Nhân dân về công tác Kiểm lâm nói riêng, lâm nghiệp nói chung trong đó:

          + Có gần 6.950 thông tin, phản ánh của Nhân dân về các đối tượng có hành vi xâm hại tài nguyên rừng, trong đó có trên 4.130 thông tin phản ánh đúng sự thật đã được kiểm tra xác minh, xử lý theo đúng quy định của pháp luật; gần 2.800 thông tin qua kiểm tra xác minh đúng một phần hoặc không đúng sự thật.

          + Có trên 3.700 thông tin của Nhân dân đề nghị chuyển tải về cơ chế chính sách, pháp luật của Nhà nước về QLR, BVR, PTR, SDR và QLLS, được trả lời, giải quyết đúng quy định, đã tháo gỡ nhiều nút thắt cho chính quyền và Nhân dân

          + Tiếp nhận 55 đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong đó 13 đơn thư đúng và đúng 01 phần sự thật, 42 đơn thư không đúng sự thật. Các đơn thư, thông tin trên đều được kiểm tra, xác minh và xử lý kịp thời, dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật, có nhiều trường hợp người gửi đơn tự nguyện rút đơn trước khi có kết quả giải quyết. Các đơn thư khiếu nại, tố cáo sau giải quyết không có khiếu kiện lại.

          + Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận huyện, Khối dân vận xã tổ chức tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân ở cơ sở (xã, thôn, bản) được 10.362 hội nghị tuyên truyền thôn (bản), với 323.512 lượt người tham gia; tuyên truyền trên loa truyền thanh được 64.360 lần; đăng tải 597 tin, bài phản ánh hoạt động của lực lượng Kiểm lâm trên Website Kiểm lâm Thanh Hóa; duy trì hoạt động của 1.607 tổ tuyên truyền thôn (bản); 810 mô hình khu dân cư “3 không” trong BVR ở 214 xã/27 huyện, thị; tổ chức cho trên 120 ngàn lượt hộ gia đình ký cam kết BVR, PCCCR; tổ chức “Diễn đàn” Kiểm lâm lắng nghe ý kiến Nhân dân về công tác BV&PTR, thông qua hội nghị, đã lắng nghe, tiếp thu và trả lời được hàng nghìn ý kiến phản ánh, đề nghị của Nhân dân về công tác Kiểm lâm, đã tạo lập được mạng lưới thông tin từ cơ sở kết nối giữa Kiểm lâm, chính quyền và người dân; sửa đổi, bổ sung 1.805 bản Hương ước (Quy ước BVR), phù hợp với đặc điểm tình hình, phong tục, tập quán cộng đồng và được Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt; phối hợp Đài PTTH tỉnh phát sóng 18 Chuyên mục “Toàn dân tích cực tham gia BV&PTR”, nêu gương người tốt, việc tốt trong hoạt động BVR, PTR, xây dựng trang trại rừng cho thu nhập cao; Báo Thanh Hóa thường xuyên có tin, bài, phóng sự đăng tải trên chuyên mục “Toàn dân tích cực tham gia BV&PTR”.

          - Thông qua việc triển khai, tổ chức thực hiện Đề án, các thông tin phản ánh, kiến nghị, đề nghị của Nhân dân đều được tiếp nhận xử lý và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, đấu tranh trấn áp các ổ nhóm lâm tặc, các đường dây buôn lậu lâm sản, tạo điều kiện cho Nhân dân yên tâm sản xuất nghề rừng. Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng với sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên trong tổ chức mặt trận do lực lượng Kiểm lâm làm tham mưu, cấp ủy lãnh đạo, chính quyền điều hành đã tạo nên sức mạnh tổng hợp. Nhờ đó, những năm vừa qua số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp hàng năm giảm đáng kể, đặc biệt là không để hình thành các “điểm nóng” về phá rừng, khai thác rừng, buôn bán lâm sản trái phép; kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu lâm sản hàng năm, Kiểm lâm Thanh Hóa đã phát hiện xử lý hàng trăm vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, thu nộp ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng; nhận thức, ý thức trách nhiệm trong QLBVR của Nhân dân được nâng lên rõ rệt, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã và đang từng bước vào cuộc quyết liệt thực hiện trách nhiệm QLNN trong công tác QLBVR, QLLS; các phòng, ban, ngành chức năng tích cực phối hợp trong thực hiện công tác BVR, PCCCR, đấu tranh chống buôn lậu lâm sản; địa vị pháp lý, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ rừng từng bước được khẳng định; lực lượng Kiểm lâm luôn đổi mới sát dân, bám rừng đạt hiệu quả đích thực trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác QLBVR góp phần giữ vững an ninh rừng trên địa bàn toàn tỉnh năm sau cao hơn năm trước; Công tác phát triển rừng được quan tâm chú trọng, hàng năm trồng mời trên 2 nghìn ha và hàng triệu cây phân tán, độ che phủ của rừng được nâng lên hàng năm từ 51,0% năm 2013 lên 53,6% năm 2022; công tác tuyên truyền bảo vệ rừng, với nhiều hình thức và nội dung phong phú, đã thực sự góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho cán bộ, nhân dân các địa phương trong tỉnh; nhiệm vụ PCCCR được triển khai thực hiện tốt, hiệu quả Phương án PCCCR theo phương châm bốn tại chỗ; rà soát khoanh vùng trọng điểm cháy rừng trên địa bàn tỉnh, hoàn thiện xây dựng hệ thống đường băng cản lửa PCR, làm giảm vật liệu cháy tại các khu rừng dễ cháy, cấp phát trên 2.000 dụng cụ chữa cháy rừng các loại và nhiều dụng cụ, phương tiện khác phục vụ công tác PCCCR. Làm tốt công tác dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh, tổ chức thường trực đối với những ngày nắng nóng có nguy cơ cháy rừng cao. Do làm tốt công tác phòng cháy, nên số vụ cháy rừng xảy ra ngày càng giảm, không có vụ cháy lớn.

          Khắc sâu lời dạy của Bác Hồ: " Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý", với chặng đường đầy vinh quang và thử thách, các thế hệ công chức, viên chức lực lượng Kiểm lâm Thanh Hóa đã chung sức, chung lòng chiến đấu dũng cảm, lao động sáng tạo, cống hiến xương máu, mồ hôi công sức, trí tuệ, gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là đồng bào miền núi đóng góp cho sự nghiệp Bảo vệ và phát triển rừng. Kế tục truyền thống vinh quang đó, lực lương Kiểm lâm trong tỉnh cần phát huy hơn nữa trí tuệ, tinh thần đoàn kết, quyết tâm đổi mới toàn diện công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng theo hướng xã hội hóa lực lượng Kiểm lâm là nòng cốt, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh./.

Tác giả: Lê Thế Long – Nguyên PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục trưởng Kiểm lâm Thanh Hóa
Số lượt đọc : 194 - Cập nhật lần cuối: 20/04/2023 01:04:17 PM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành