QLBV rừng 12/04/2018:14:48:08
Kết quả Đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm phục vụ công tác quản lý Kiểm lâm địa bàn tỉnh Thanh Hóa”
Lực lượng Kiểm lâm Thanh Hóa từ năm 1973 đến nay, luôn sát cánh cùng đồng bào các dân tộc trong tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, là công cụ thừa hành pháp luật trong QLBVR; bảo vệ quyền và lợi ích cho chủ rừng người dân trong sản xuất kinh doanh nghề rừng.

Để bảo vệ được rừng, lực lượng Kiểm lâm Thanh Hóa phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thử thách, đối mặt với tội phạm phá hoại rừng. Đối tượng lâm tặc dùng mọi thủ đoạn chống trả Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng ngày càng quyết liệt. Trước tình hình đó công tác QLBVR, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành Quyết định số 38/QĐ-UB ngày 07/01/2000 phê duyệt Đề án “Đổi mới tổ chức quản lý bảo vệ rừng theo hướng xã hội hoá” với mục tiêu: Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của chính quyền cơ sở; Làm rõ trách nhiệm, quyền lợi của chủ rừng và cộng đồng dân cư; Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Kiểm lâm. Theo đó, ban đầu đã đưa 121 Kiểm lâm viên về 144 xã giúp chính quyền cơ sở thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp.

Đến nay, sau 16 năm đưa Kiểm lâm về địa bàn xã công tác, đã làm thay đổi căn bản về nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhân dân, chủ rừng về BV&PTR; trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của chính quyền cấp xã được nâng lên; chủ rừng đã hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; các tổ chức chính trị xã hội đều vào cuộc, tác động, thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân tham gia tích cực công tác BV&PTR. Uy tín của lực lượng Kiểm lâm được khẳng định, được cấp uỷ Đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tin tưởng và đánh giá cao.

Để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả, hoạt động KLĐB, Chủ tịch UBND xã, thị trấn về triển khai thực hiện công tác BVR, PTR, SDR nhằm phát triển kinh tế lâm nghiệp ở địa phương theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin về công tác BVR, PTR, SDR để khắc phục tồn tại hạn chế nêu trên, thực hiện tiết kiệm giảm chi phí đầu tư quản lý, nâng cao được trách nhiệm, kiểm soát được hoạt động của KLĐB ở xã, giúp cấp xã tăng cường quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Với sự cần thiết đó, ngày ngày 04/9/2015 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký Quyết định 3363/QĐ-UBND phê duyệt các nhiệm vụ khoa học công nghệ năm 2016 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, theo đó cho phép triển khai đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) và phần mềm phục vụ công tác quản lý Kiểm lâm địa bàn tỉnh Thanh Hóa” với các mục tiêu chính là: Xây dựng được hệ thống CSDL phục vụ công tác quản lý việc thực hiện nhiệm vụ của KLĐB; nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành; nâng cao chất lượng công tác của KLĐB trong hoạt động bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Xây dựng được phần mềm chuyên dụng để quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả hệ thống CSDL nhằm hỗ trợ và quản lý việc thực hiện nhiệm vụ của KLĐB tỉnh Thanh Hóa.

Qua một thời gian triển khai, Đề tài đã hoàn thành những nội dung quan trọng và đạt được mục tiêu mà Đề tài đặt ra, đạt được một số kết quả nổi bật, đó là.

Xây dựng hệ thống Phiếu biểu điều tra, khảo sát, thu thập, xử lý dữ liệu về hoạt động bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh, tổng hợp nội dung từ các phiếu biểu điểu tra vào các biểu tổng hợp:

Tổ chức rà soát 157 văn bản các loại có liên quan đến Công tác Kiểm lâm, trong đó: Văn bản Trung ương: 77 văn bản. Văn bản địa phương: 47 văn bản gồm: Quy trình ISO 9001:2008: 33 tài liệu.

Điều tra, khảo sát thu thập thông tin chung về hoạt động quản lý rừng, gồm: Người đứng đầu Đảng, chính quyền, đoàn thể; số điện thoại để liên lạc của cấp xã; Mật độ dân số toàn tỉnh; Mức thu nhập bình quân.

Điều tra, khảo sát thu thập thông tin các loại rừng và đất lâm nghiệp. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 684.020,9 ha, trong đó: Diện tích rừng và đất chưa có rừng trong quy hoạch lâm nghiệp: 647.677,10 ha.

Điều tra, khảo sát thu thập thông tin về các đối tượng vi phạm và hành vi vi phạm: Qua điều tra, thống kê giai đoạn 2013-2016 toàn tỉnh có 1.268 đối tượng vi phạm các quy định pháp luật trong lĩnh vực khai thác, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ lâm sản trái pháp luật.

Điều tra, khảo sát thu thập thông tin về các cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản: Toàn tỉnh có 394 cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản. Trong đó: Cơ sở hoạt động có phép 394 cơ sở; Cơ sở hoạt động không phép 0 cơ sở.

Điều tra, khảo sát thu thập nguyên nhân gây biến động về rừng: Trong giai đoạn năm 2013 đến 9/2016 các nguyên nhân gây biến động về rừng và đất lâm nghiệp chủ yếu ở 5 nhóm nguyên nhân: Trồng rừng, khai thác, cháy rừng, phá rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, và một số nguyên nhân khác, với diện tích biến động 101.342,05 ha, cụ thể: Diện tích rừng tăng do - trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng: 58.316,42 ha. Diện tích rừng giảm do khai thác, cháy rừng, phá rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng: 43.025,63 ha.

Điều tra, khảo sát thu thập thông tin sử dụng cưa xăng: Toàn tỉnh có 2.310 cưa xăng, của hộ gia đình, thuộc 691 thôn (bản), 113 xã, Trong đó: Số cưa xăng được vận động, đưa vào quản lý tập trung tại cộng đồng là 1.701 cái; số quản lý không tập trung là 609 cái. Số hộ ký cam kết không sử dụng cưa xăng để khai thác gỗ trái phép 2.294 hộ, số hộ chưa ký cam kết 16 hộ.

Điều tra, khảo sát thu thập thông tin khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ: Toàn tỉnh có 21/27 huyện, 314 xã có hoạt động khai thác lâm sản. Trong giai đoạn từ 01/2013 đến 9/2016, toàn tỉnh đã khai thác 16.130 m3 gỗ rừng tự nhiên; 1.469.359 m3 gỗ rừng trồng và cây trồng phân tán; 268.740 tấn nứa, vầu nan thanh; 147,681 triệu cây luồng.

Điều tra, khảo sát thu thập thông tin các vùng trọng điểm cháy: Tại 280 xã có rừng trọng điểm cháy, xác định được 48.853,37 ha rừng, thuộc 132 xã ở 25/27 huyện có nguy cơ cháy cao được chia thành 3 cấp: Cấp cực kỳ nguy hiểm: 14.771,10 ha; Cấp rất nguy hiểm: 12.458,99 ha; Cấp nguy hiểm: 21.623,28 ha.

Điều tra, khảo sát thu thập thông tin các vụ cháy rừng. Từ năm 2013 đến tháng 9/2016 toàn tỉnh xảy ra 33 vụ cháy rừng và thực bì (19 vụ cháy rừng, 14 vụ cháy thực bì). Tổng diện tích rừng bị cháy là: 334,53 ha, trong đó: Diện tích đất có rừng 221,94 ha; diện tích thực bì 112,59 ha. Tổng số lượt người được huy động tham gia chữa cháy là: 10.985 lượt.

Điều tra, khảo sát thu thập thông tin lực lượng và các dụng cụ có thể huy động tham gia chữa cháy: Lực lượng, phương tiện, máy móc thiết bị có thể huy động tham gia CCR: Khi xảy ra cháy rừng, toàn tỉnh có thể huy động 17.998 người; 423 xe ô tô các loại; 10.925 xe máy, 36 Máy bơm chữa cháy, 144 máy thổi gió, 292 cưa xăng, 74 máy cắt thực bì, 135 loa cầm tay, 91 máy định vị GPS, 313 bình chữa cháy, và 7.891 dụng cụ các loại tham gia chữa cháy rừng. Các công trình phòng cháy gồm 527 công trình, Trong đó: Bảng tuyên truyền lớn: 06 cái; Bảng tuyên truyền 106 cái, Nhà Kho 02 cái, Chòi canh tạm thời 26 cái, Trạm đo khí tượng 07 cái, Bể nước cố định 06 cái, Bể nước tạm thời: 02 cái; Biển báo cấm lửa 365 cái.

Điều tra, khảo sát thu thập thông tin phản ánh, kiến nghị, đề nghị của nhân dân về công tác Kiểm lâm: Trong giai đoạn 2013 đến tháng 9/2016, toàn tỉnh tiếp nhận 7.648 thông tin phản ánh, kiến nghị, đề nghị, tố giác của nhân dân liên quan đến lĩnh vực Quản lý bảo vệ rừng.

Điều tra, khảo sát thu thập thông tin quản lý gỗ làm nhà ở: Trong giai đoạn này, toàn tỉnh có 9 huyện xây dựng và thực hiện Phương án quản lý gỗ làm nhà ở; triển khai thực hiện ở 522 thôn (bản) thuộc 90 xã với 6.232 hộ gia đình được đưa vào phương án để hướng dẫn khai thác, sử dụng gỗ làm nhà ở. Tổng khối lượng gỗ được đưa vào Phương án quản lý là 26.450 m3 (gỗ tròn 9.045 m3, gỗ xẻ 17.405 m3).

Thu thập thông tin về KLĐB của 635 xã/27 huyện, thị, thành phố: Toàn tỉnh có 190 KLĐB, trong đó: Dân tộc: Kinh 174 người, Mông 2 người, Mường 11 người, Thái 3 người. Trình độ: Thạc sỹ 01 người, Đại học 102 người, Cao đẳng 11 người, Trung cấp 65 người, Sơ cấp 11 người. Giới tính: Nam 180 người, Nữ 10 người.

Kết quả điều tra, khảo sát thu thập thông tin về công tác BVR&PTR, SDR  bảo đảm đầy đủ các nội dung, độ chính xác cao tại thời điểm điều tra. Sản phẩm điều tra, khảo sát từng đơn vị cơ sở đã thực hiện đầy đủ thu được bộ cơ sở dữ liệu của Kiểm lâm địa bàn trong thực hiện nhiệm vụ công tác QLBVR tại gốc. Sản phẩm điều tra khảo sát làm cơ sở quan trọng để xây dựng phần mềm gồm các module phục vụ công tác quản lý KLVĐB tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời làm cơ sở thực hiện và giám sát trong hoạt động KLĐB tỉnh Thanh Hóa.

Song song đó, phần mềm quản lý cập nhật cơ sở dữ liệu được triển khai thực hiện và hoàn thiện với đầy đủ các Modul với chất lượng đáp ứng theo thuyết minh đề tài đã được phê duyệt. Phần mềm KLĐB được xây dựng đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu của Đề tài, cụ thể:

Phần mềm hoạt động dựa trên nền tảng Web-app, ngoài việc các tài khoản được phép truy cập, người dùng với tư cách là khách có thể truy cập và tìm hiểu thông tin.

Phần mềm được xây dựng trên nền tảng ASP.NET 4.0 bằng ngôn ngữ C#, sử dụng CSDL Microsoft SQL 2008 R2 là những công nghệ phổ biến nhất hiện nay. Các tính năng cho phép mở rộng tuỳ biến mà không cần phải thiết kế lại.

Hệ thống hoạt động trên nền web vì vậy được đặt tại Data Center, hoạt động 24/24 tránh được hạn chế rủi ro trong quá trình vận hành và khi có sự cố xảy ra thì dữ liệu và mã nguồn đã được backup lại. Không ảnh hưởng và không gây mất mát dữ liệu trong quá trình vận hành. Được tích hợp và chạy trên trang thông tin điện tử của Chi cục Kiểm lâm, địa chỉ: www.klth.org.vn

Phần mềm KLĐB đáp ứng yêu cầu mà hệ thống Cổng thông tin điện tử cần có để thực hiện được các mục tiêu của Đề tài. Cụ thể:

Người sử dụng đăng nhập một lần sau đó truy cập sử dụng các dịch vụ trên cổng thông tin một cách thống nhất. Áp dụng cơ chế phân quyền truy cập theo vai trò dựa trên quy trình công việc xuyên suốt trong hệ thống cổng lõi và tầng các dịch vụ ứng dụng.

Hỗ trợ khả năng tìm kiếm Việt/Anh theo chuẩn unicode TCVN 6909:2001 và tìm kiếm nâng cao; Hỗ trợ khả năng bảo mật cao. Có cơ chế chống lại các loại tấn công phổ biến trên mạng (SQL Injection, Flood); Có cơ chế quản lý bộ đệm (caching) để tăng tốc độ xử lý, nâng cao hiệu suất xử lý và giảm tải máy chủ ứng dụng; Có cơ chế dự phòng cho hệ thống máy chủ ứng dụng và dự phòng cho máy chủ CSDL (khả năng cài đặt máy chủ chính và máy chủ sao lưu theo mô hình hệ thống cluster đảm bảo cơ chế cân bằng tải, sao lưu dữ liệu tức thời giữa các máy chủ chính và máy chủ sao lưu). Đảm bảo tính tích hợp, kế thừa và nâng cấp.

Như vậy, kết quả nghiên cứu của Đề tài là đã thực hiện được 2 mục tiêu chính là xây dựng được Phần mềm KLĐB; tạo lập được hệ thống CSDL và hạ tầng kỹ thuật CNTT phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, thống kê, tra cứu thông tin phục vụ các nhu cầu nắm bắt, đánh giá, báo cáo, xây dựng kế hoạch, xử lý giải quyết, phối hợp trong xử lý giải quyết công việc. Thông qua phần mềm ứng dụng việc truyền nhận trao đổi thông tin trong lực lượng Kiểm lâm nhanh hơn, thuận lợi hơn và giảm được các chi phí văn phòng. Hơn nữa, do có được sự hỗ trợ hiệu quả của hệ thống CSDL tích hợp và những công cụ trợ giúp, tìm kiếm, tra cứu, xử lý, liên lạc nhanh chóng hơn nên người quản lý sẽ dành được nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu các giải pháp, chủ động dự đoán trước xu hướng phát triển, đưa ra các quyết định chính xác kịp thời.

Có thể nói kết quả bước đầu của việc nghiên cứu đạt được là khá toàn diện đáp ứng cơ bản các mục tiêu của một đề tài khoa học đã đề ra. Đề tài đã thực hiện đúng, đủ 4 nội dung đã đề ra; 6 sản phẩm của Đề tài đảm bảo chất lượng theo đúng thuyết minh đã được phê duyệt, trong đó có một số nội dung vượt trội về số lượng, khối lượng đã thực hiện. Kết quả của Đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng hệ thống CSDL và phần mềm phục vụ công tác quản lý KLĐB tỉnh Thanh Hóa”, đã mang đến ý nghĩa thiết thực và phù hợp với công cuộc đổi mới trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tất cả thông tin về hoạt động KLĐB được quy tụ về một đầu mối; giúp việc truy xuất, xử lý thông tin của chuyên viên và quản lý của lãnh đạo được thuận tiện, nhanh chóng, đầy đủ và toàn diện nhất. Kết quả Đề tài là cầu nối để các bên có liên quan có thể tìm kiếm lẫn nhau tạo điều kiện thuận cho người dân, các nhà khoa học, các doanh nghiệp... cần tìm kiếm các thông tin về các nội dung được nghiên cứu nhằm nâng cao khả năng ứng dụng trong thực tiễn.

 

Một số hình ành trong quá trình thực hiện Đề tài

Tập huấn nghiệp vụ sử dụng phần mềm KLĐB

 

Điều tra thu thập thông tin ngoai thực địa 

 

Tác giả: Trịnh Đăng Tình
Số lượt đọc : 1051 - Cập nhật lần cuối: 12/04/2018 02:04:08 PM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành