Xây dựng lực lượng 02/08/2017:09:40:39
Hơ Văn Va - Kiểm lâm địa bàn làm giàu từ nghề rừng
Nhắc đến anh Hơ Văn Va (SN 1962), dân tộc Mông là Kiểm lâm địa bàn xã Pù Nhi, hầu như bà con đồng bào huyện vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa) ai cũng biết bởi ngoài việc gắn bó với nghề Kiểm lâm hơn 20 năm nay, anh còn là chủ nhân của những cánh rừng trị giá hàng tỉ đồng của vùng đất nghèo này.

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, anh Hơ Văn Va hiểu hơn ai hết cảnh cơ cực của bà con quê mình. Đặc biệt là cuộc sống du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy vốn là tập quán canh tác lâu đời của đồng bào dân tộc Mông. “Làm thế nào để xóa bỏ được những tập tục lạc hậu ấy, làm thế nào để giúp bà con thoát khỏi cảnh đói nghèo? Muốn làm được điều đó, chẳng còn con đường nào khác đó là phải học”. Nghĩ là làm.

Anh tâm sự: “lúc bấy giờ việc học hành tại địa phương là hết sức khó khăn, chuyện đi học với bà con nơi đây nó như một “chuyện lạ”, chẳng ai quan tâm đến chuyện học hành. Ban đầu, tôi cũng bị bố mẹ phản đối kịch liệt bởi “cái chữ nó không làm mình no bụng được”.

Nhưng bằng quyết tâm của mình, cậu học trò nhỏ ấy hàng ngày vẫn trèo đèo, lội suối, ăn rau rừng để đi tìm cái chữ. Bằng ý chí quyết vươn lên, cuối cùng anh đã tốt nghiệp trường Trung cấp Lâm nghiệp Thanh Hóa và bắt đầu cuộc đời được làm cán bộ.

Sau khi tốt nghiệp (năm 1995), anh được Chi cục Kiểm Thanh Hóa tuyển vào công tác tại Hạt Kiểm lâm Quan Hóa (lúc đó chưa có huyện Mường lát). Đến năm 1996, tỉnh Thanh Hóa chia tách huyện Quan Hóa thành 2 huyện: Quan Hóa và Mường Lát thì anh thuộc quân số của hạt Kiểm lâm Mường Lát đến bây giờ.

Là người dân tộc thiểu số, dù đã được học qua trường lớp nhưng khi bắt tay vào công việc anh gặp phải muôn vàn khó khăn, thách thức. Nhưng với lòng yêu nghề, yêu ngành, mong muốn góp một phần công sức trong công cuộc thay đổi diện mạo quê hương. Với bản tính cần cù, sáng tạo anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Đặc biệt là công tác bám dân, bám địa bản để tuyên truyền vận động bà con người Mông tích cực tham gia bảo vệ rừng, ổn canh, ổn cư, tích cực trồng rừng để phát triển kinh tế.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Va chia sẻ: Gia đình anh có 5 người con, cả gia đình chỉ trông chờ vào sản phẩm làm nương rẫy của vợ cộng với đồng lương công chức ít ỏi của anh nên kinh tế gia đình lúc đầu hết sức khó khăn. Nhưng với quyết tâm không để cái đói, cái nghèo đánh gục, anh đã động viên vợ con ngoài việc làm nương rẫy thì mở rộng đầu tư chăn nuôi để tăng thu nhập. Từ năm 2008, khi tình trạng đốt nương làm rẫy vẫn đang còn phổ biến trong đồng bào Mông ở Mường Lát; cho dù chưa có chính sách hỗ trợ của Nhà nước như bây giờ, nhưng anh Va vẫn lặn lội sang Lào tìm mua giống cây Tếch là loài cây phù hợp với đất rừng của mình để mang về trồng. Đến nay,  22 ha đất rừng được Nhà nước giao của gia đình anh Hơ Văn Va đã được phủ xanh bằng các cây gỗ lớn như Tếch, Xoan ta, Lát hoa..., trong đó, có những diện tích đã có thể cho thu hoạch. “Toàn bộ diện tích rừng của gia đình tôi đang sinh trưởng và phát triển tốt, rừng Tếch của gia đình đã có người hỏi mua với giá rất cao nhưng tôi chưa muốn bán”, ông Va cho biết.

Ngoài ra, gia đình anh lúc nào cũng duy trì được đàn bò (khoảng 10 con), đàn dê trên chục con, đàn lợn, đàn gà liên tục phát triển và cũng nhờ vào đó kinh tế gia đình dần dần ổn định, các con anh được học hành đến nơi đến chốn.

Điều lớn hơn giá trị tiền bạc mà cán bộ kiểm lâm Hơ Văn Va làm được chính là: từ những cánh rừng trồng đầu tiên của gia đình anh, đồng bào Mông ở đây đã bắt đầu nhận thấy lợi ích của việc trồng rừng. Cùng với các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, của các tổ chức quốc tế, đồng bào người Mông trên mảnh đất vùng cao này đang từng bước biến những đám rẫy năng suất canh tác thấp của mình thành những cánh rừng xanh tốt có giá trị cao cả về kinh tế lẫn môi trường sinh thái. Mỗi năm, trên địa bàn do anh Hơ Văn Va phụ trách, luôn có vài trăm ha rừng được trồng mới. Mô hình trồng rừng của gia đình anh còn lan tỏa ra nhiều địa bàn khác.

Hơn 20 năm lăn lộn với nghề, bằng tinh thần, trách nhiệm anh đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào Mông ở xã Pù Nhi không phá rừng làm nương rẫy, tích cực tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Đến nay, địa bàn huyện Mường Lát đã trồng được trên 15.000 ha rừng, riêng địa bàn xã Pù Nhi gần 1.000 ha, nâng độ che phủ rừng lên gần 60%. Từ việc trồng rừng, kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng nhiều hộ gia đình đồng bào Mông ở xã Pù Nhi đã vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu từ nghề rừng.

Nhìn màu xanh ngút ngát của Xoan, Lát, Tếch… trên những quả đồi trọc của xã Pù Nhi xưa kia ai cũng biết công của anh Hơ Văn Va không hề nhỏ./.

Anh Hơ Văn Va hướng dẫn bà con chăm sóc rừng trồng (ảnh Phạm Luật)

Anh Hơ Văn Va dưới cánh rừng của gia đình mình (ảnh Phạm Luật)

Rừng Tếch của gia đình anh Hơ Văn Va (ảnh Phạm Luật)

Tác giả: Mai Hữu Phúc
Số lượt đọc : 1823 - Cập nhật lần cuối: 02/08/2017 09:08:39 AM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành