Tin tức - Sự kiện 09/09/2015:14:39:12
Hiệu quả chương trình phối hợp bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng vùng biên giới 2 tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam
Hòa cùng không khí tưng bừng kỷ niệm 53 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (05/9/1962 - 05/9/2015), 38 năm ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2015), 48 năm kết nghĩa và ký kết hợp tác phát triển giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn (02/5/1967 - 02/5/2015) và hưởng ứng năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào (2015). Sở Nông lâm tỉnh Hủa Phăn (Lào) phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Chương trình phối hợp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (BVR, PCCCR) vùng biên giới 2 tỉnh giai đoạn 2013-2015 và ký Chương trình phối hợp BVR, PCCCR giai đoạn 2016-2020; đây là hướng đi đúng, trúng theo nguyện vọng của nhân dân vùng biên giới 2 tỉnh, góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào nói chung và Thanh Hóa - Hủa Phăn nói riêng.

Tỉnh Thanh Hoá và tỉnh Hủa Phăn (Lào) có chung đường biên giới 192 km đi qua 5 huyện của Thanh Hoá gồm: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân tiếp giáp với 3 huyện của tỉnh Hủa Phăn (Lào) là Xốp Bâu, Xăm Tày, Viêng Xay. Diện tích vùng biên 115.200 ha, trong đó diện tích có rừng 92.160 ha (chiếm 80%), diện tích thực bì lau lách 23.040 ha (chiếm 20%). Tài nguyên về thực vật, động vật đa dạng, phong phú nhiều loài đặc hữu, quý hiếm có trong Công ước Quốc tế (CITES), Sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ nghiêm ngặt, cấm khai thác sử dụng. Các năm trước đây nguy cơ cháy rừng từ các cụm (bản) của huyện Xốp Bâu, Viêng Xay sang các huyện Mường Lát, Quan Sơn rất cao, nguyên nhân chính do đốt phá rừng làm rẫy, tình trạng xâm canh, xâm cư, săn bắn, bẫy bắt, buôn bán trái phép động vật rừng diễn biến phức tạp.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, lịch sử mối quan hệ truyền thống và nguyện vọng của nhân dân vùng biên giới 2 tỉnh, ngày 17/7/2012, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa và Sở Nông lâm tỉnh Hủa Phăn tiếp tục ký kết Chương trình phối hợp về BVR, PCCCR vùng biên giới hai tỉnh, giai đoạn 2013-2015, gồm 4 nội dung: Phối hợp trao đổi thông tin và tuyên truyền; phối hợp trong BVR; phối hợp trong PCCCR; phối hợp tập huấn, huấn luyện, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật về BVR, PCCCR. Sau khi Chương trình phối hợp được ký kết, hai Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Kiểm lâm hai tỉnh, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nội dung phối hợp; chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện tham mưu, giúp chính quyền các cấp ký chương trình phối hợp BVR, PCCCR giữa huyện với huyện, xã với cụm (bản). Sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình phối hợp BVR, PCCCR đã ký kết giữa Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa với Sở Nông lâm tỉnh Hủa Phăn, giữa 5 huyện, 16 xã tỉnh Thanh Hóa với 3 huyện, 13 cụm bản tỉnh Hủa Phăn đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu đề ra, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng và nhân dân vùng biên giới. Hai sở và các huyện, xã, cụm bản đã hỗ trợ, giúp đỡ ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong BVR, PTR, PCCCR và phát triển kinh tế lâm nghiệp như tổ chức 5 lớp tập huấn với 16 chuyên đề cho 340 lượt cán bộ là Trưởng, Phó phòng, cán bộ lâm nghiệp của Sở Nông lâm, Trưởng, Phó phòng nông lâm, Trưởng cụm bản của 3 huyện Viêng Xay, Xăm Tày, Xốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn. Tổ chức trên 200 cuộc họp tuyên truyền BVR, PCCCR với trên 10.000 lượt người tham gia; rà soát bổ sung 54 quy ước bảo vệ rừng thôn (bản), xây dựng 16 bảng tuyên truyền, 61 mốc ranh giới, 30 biển báo cấm lửa, cấp phát 2.400 tờ rơi, tờ bướm tuyên truyền; ký gần 3.600 bản cam kết với hộ gia đình thực hiện tốt quy định về BVR, PCCCR; các xã, cụm bản, huyện vùng biên giới của hai nước đã phối hợp xây dựng được 32,0 km đường băng cản lửa dọc biên giới hai tỉnh, Hạt Kiểm lâm huyện Mường Lát giúp 2 huyện Xốp Bâu, Viêng Xay điều tra, khảo sát xác định 70.000 ha trọng điểm cháy rừng để xây dựng bộ bản đồ quản lý nương rẫy và Phương án PCCCR ở cấp huyện, cấp xã, bản khu vực biên giới phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành. Hiệu quả công tác PCCCR được nâng lên một cách rõ rệt, đã chủ động trao đổi thông tin cháy rừng ở khu vực biên giới và nội địa, tổ chức 8 cuộc diễn tập chữa cháy rừng với trên 1.500 lượt người tham gia, quản lý chặt chẽ trên 900 hộ làm rẫy, sử dụng lửa trong xử lý thực bì, săn bắn động vật rừng, chăn thả gia súc, khai thác lâm sản... do làm tốt công tác phối hợp ngăn ngừa nên 7 vụ cháy do đốt nương làm rẫy trái phép tại 2 huyện Sốp Bâu, Viêng Xay lan sang huyện Mường Lát đều được hai bên phối hợp huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy kịp thời, hiệu quả, không thiệt hại tài nguyên rừng. Công tác phối hợp tuần tra, ngăn chặn hành vi xâm hại tài nguyên rừng được quan tâm chỉ đạo của chính quyền cấp huyện, xã, cụm bản và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, 55 vụ vi phạm các quy định về QLBVR ở vùng biên giới được cơ quan chức năng 2 tỉnh phát hiện xử lý, tịch thu trên 176 m3 gỗ, 204 kg động vật rừng, 1 xe máy, 7 cưa xăng thu nộp ngân sách Nhà nước trên 430 triệu đồng và hơn 160 triệu kíp... Kết quả phối hợp đã góp phần đảm bảo an ninh rừng ở vùng biên giới hai tỉnh cơ bản ổn định; kiểm soát được nguy cơ cháy rừng, các hành vi xâm hại tài nguyên rừng giảm đáng kể, tình trạng xâm canh, xâm cư đã được hạn chế thấp nhất; nhận thức về BVR, PCCCR và phát triển kinh tế lâm nghiệp của nhân dân vùng biên được nâng lên; hai Sở và các huyện, xã, cụm bản đã hỗ trợ, giúp đỡ ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong BVR, PTR, PCCCR và phát triển kinh tế lâm nghiệp, góp phần quan trọng xây dựng khu vực biên giới ổn định, đoàn kết thống nhất, hợp tác toàn diện để phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh.

Mặc dù triển khai các biện pháp phối hợp tích cực như vậy, tuy nhiên an ninh rừng vùng biên giới vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ cháy rừng, phát đốt rừng làm rẫy, xâm canh, xâm cư và khai thác rừng, săn bắn, bẩy bắt động vật rừng trái phép còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp; đầu tư về nhân lực, kinh phí cho chương trình còn nhiều hạn chế; công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về BVR, PCCCR ở một số xã, cụm bản hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu mong muốn của người dân và chương trình phối hợp.

Để đáp ứng yêu cầu mới đặt ra, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, bảo vệ an toàn diện tích rừng hiện có khu vực biên giới hai tỉnh, kiểm soát chặt chẽ nguy cơ cháy rừng và ngăn chăn có hiệu quả hành vi xâm hại tài nguyên rừng, giữ vững ổn định an ninh rừng, an ninh biên giới, xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai sở, các huyện, xã, cụm bản, công tác phối hợp BVR, PCCCR vùng biên giới 2 tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn, giai đoạn 2016-2020 cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Đối với công tác tuyên truyền: Đổi mới nội dung tuyên truyền phù hợp, đáp ứng được nhu cầu cần thiết của nhân dân các dân tộc Việt - Lào nội dung tập trung đi sâu vào nội dung quy định cụ thể người dân được làm, không được làm, hướng dẫn nhân dân chấp hành theo pháp luật của hai nước; thực hiện tuyên truyền ở các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể của hai bên, quan tâm tổ chức tuyên truyền thông qua họp thôn (bản), ký cam kết về BVR, PCCCR ở cộng đồng giúp người dân nâng cao nhận thức hiểu biết pháp luật, tham gia tích cực trong BVR, PCCCR.

2. Đối với việc triển khai các nội dung phối hợp: Việc xây dựng phương án, kế hoạch BVR, PCCCR, Kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia và hỗ trợ chữa cháy rừng ở cấp huyện, cấp xã, cụm bản, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp, giải pháp đã xây dựng, như:

Kiện toàn, cũng cố lực lượng BVR, nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã, cụm bản đối với công tác BVR, PCCCR.

Tổ chức điều tra, khảo sát xác định vùng trọng điểm cháy, khai thác, xâm canh làm nương rẫy và các tuyến trọng điểm vận chuyển, thẩm lậu lâm sản trái phép ở khu vực biên giới hai tỉnh, từ đó đề ra giải pháp và phân công trách nhiệm cho từng cá nhân, đơn vị thực hiện.

Chủ động tuần tra kiểm tra an ninh rừng nội vùng của mỗi bên, tăng cường phối hợp tuần tra song phương kiểm soát nguy cơ, ngăn chặn hành vi xâm hại tài nguyên rừng.

3. Đối với công tác trao đổi thông tin: Tăng cường phối hợp trao đổi thông tin giữa hai bên về an ninh rừng khu vực biên giới; lập đường dây nóng ở các cấp, tuyên truyền vận động nhân dân chủ động thông báo cho cá nhân, đơn vị chức năng về các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, các vụ cháy rừng để kịp thời ngăn chặn.

4. Đối với việc chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật: Tổ chức thực hiện các chuyên đề theo đề nghị của mỗi bên; cấp sở hỗ trợ đào tạo chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật công nghệ; cấp huyện, xã, cụm bản phổ biến kinh nghiệm, tham quan, học tập các mô hình về BVR, PTR, PCCCR ở địa phương, đơn vị của hai bên.

Thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp BVR, PCCCR vùng biên giới 2 tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn tức là góp phần thắt chặt mối hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Cayxỏn Phômvihản, đồng chí Xuphanuvông và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp./. 

Tác giả: Trịnh Đăng Tình
Số lượt đọc : 2409 - Cập nhật lần cuối: 09/09/2015 02:09:12 PM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành