Bảo tồn thiên nhiên 31/03/2014:14:27:16
Chia sẻ lợi ích trong bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa – thực trạng và giải pháp
Trên thế giới, cơ chế chia sẻ lợi ích trong sử dụng tài nguyên đã được nhiều quốc gia quan tâm, triển khai thực hiện. Điển hình là các nước Châu Mỹ (Mexico, Costa Rica, Ecuador…) và hầu hết các nước Châu Âu hay Châu Á (Indonesia, Philippines, Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal) đã thực hiện hiệu quả chương trình chi trả cho các dịch vụ môi trường và thủy văn…

Ở Việt Nam cũng thực hiện một số chương trình được thiết kế để cải thiện quản lý rừng, phát triển rừng như Chương trình 661, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng… và gần đây nhất Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 02/02/2012 thực hiện thí điểm chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy và Vườn Quốc gia Bạch Mã nhằm mục đích giải quyết hài hòa mối quan hệ trong sử dụng và quản lý tài nguyên rừng, tạo khung pháp lý về chính sách chia sẻ lợi ích; quyền và nghĩa vụ của Ban quản lý các khu rừng đặc dụng với cộng đồng địa phương theo nguyên tắc đồng quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân sống trong khu rừng đặc dụng và vùng đệm rừng đặc dụng. Theo đó, người dân được phép khai thác một số lâm sản ngoài gỗ và được hưởng một số chính sách về “hỗ trợ sinh kế” như mô hình chăn nuôi, trồng cây, phát triển kinh tế tăng thu nhập, cải thiện đời sống và nâng cao nhận thức bảo tồn cho người dân. Tuy nhiên, chính sách về đồng quản lý sử dụng tài nguyên rừng bền vững bước đầu tạo ra một số các lợi ích cho những người tham gia ở địa phương nhưng đây là lĩnh vực mới nên nhận thức, cách tiếp cận về chia sẻ lợi ích trong bảo tồn đa dạng sinh học còn chưa rõ ràng, cơ chế quản lý chưa đồng bộ, thiếu các công cụ pháp lý và những hỗ trợ kỹ thuật, tài chính nên chất lượng, hiệu quả triển khai các hoạt động còn nhiều vấn đề bất cập, cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Thanh Hóa có 84.682,35ha rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch rừng đặc dụng thuộc 02 Vườn Quốc gia (Bến En, và một phần VQG Cúc Phương), 03 Khu bảo tồn thiên nhiên (Xuân Liên, Pù hu, Pù Luông), 02 khu bảo tồn loài (Sến Tam Quy và các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động), 04 khu di tích lịch sử văn hóa (Lam Kinh, Hàm Rồng, Đền Bà Triệu, Trường Lệ Sầm Sơn). Trong những năm qua chúng ta mới tập trung thực hiện việc bảo vệ nguyên vẹn, an toàn diện tích rừng hiện có hay nói cách khác là chúng ta mới làm tốt công tác quản lý bảo vệ tài nguyên động thực vật rừng, hạn chế người dân địa phương vào rừng để khai thác lâm sản và canh tác nông nghiệp. Giới hạn sự tiếp cận vào tài nguyên rừng của người dân đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, kinh tế của hộ gia đình sống trong và ven các khu rừng đặc dụng, đã tạo ra mâu thuẫn giữa “bảo tồn” và “phát triển”.

Nhận thức vấn đề cần giải quyết, ngành Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện cơ chế thí điểm chia sẻ lợi ích tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Pù Hu thông qua việc thực hiện dự án “Tăng cường năng lực quản lý và thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn đa dạng sinh học” do Quỹ bảo tồn rừng đặc dụng Việt Nam hỗ trợ. Tuy nhiên, kết quả cũng chỉ dừng lại ở việc xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích thông qua các văn bản thỏa thuận sử dụng lâm sản phụ còn nặng về định tính, hỗ trợ bước đầu xây dựng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm ở phạm vi một số thôn điển hình, chưa thực sự áp dụng và nhân rộng hiệu quả mô hình, do đó nguy cơ xâm hại tới tài nguyên đa dạng sinh học ở các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn cao. Chính vì vậy, từ kết quả của các dự án thí điểm, trong thời gian tới để đảm bảo tính bền vững khi thực thi cơ chế chia sẻ lợi ích trong bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh cần thiết tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là: Nhà nước cần đánh giá thực tiễn để hoàn thiện thể chế, xây dựng khung pháp luật và chính sách; hỗ trợ kỹ thuật và tài chính tạo đòn bẩy thực hiện toàn diện cơ chế chia sẻ lợi ích nhằm quản lý rừng bền vững.

Hai là: Xây dựng phương án chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, trong đó nội dung phương án cần cụ thể hóa, định lượng tỷ lệ, đối tượng khi áp dụng các phương thức tiếp cận, khai thác tài nguyên rừng cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng sống trong vùng lõi và vùng đệm rừng đặc dụng.

Ba là: Quy hoạch sử dụng đất vùng đệm các khu rừng đặc dụng gắn với xác định chi tiết cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; phát huy vai trò điều tiết của nhà nước, hỗ trợ tìm kiếm thị trường sản phẩm sản xuất ra của người nông dân tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Bốn là: Thực hiện đầy đủ, toàn diện phương án giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp; đẩy mạnh công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng; tăng cường thực hiện các chương trình điều tra, nghiên cứu về sinh thái rừng, lượng hóa giá kinh tế do môi trường rừng cung cấp và đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng hợp lý trên địa bàn tỉnh.

Năm là: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò và lợi ích của chia sẻ lợi ích, bảo tồn đa dạng sinh học; tạo sự đồng thuận, tự nguyện tham gia của cộng đồng vào các hoạt động quản lý bảo vệ rừng đây là chìa khoá của sự thành công.

Sáu là: Thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội vùng đệm các khu rừng đặc dụng, bảo đảm bù đắp được các chi phí cơ hội, tạo lòng tin và mang lại lợi ích cho toàn cộng đồng./.

Một số hình ảnh trong tiếp cận tài nguyên của người dân

Khai thác măng

Tìm kiếm mật ong rừng

Tác giả: Lê Đình Mạnh
Số lượt đọc : 1816 - Cập nhật lần cuối: 31/03/2014 02:03:16 PM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành