Thanh tra pháp chế 02/12/2013:15:35:37
Một số nội dung cơ bản Nghị định số 157/2013/NĐ-CP
Ảnh minh họaNgày 11/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 157/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 25/12/2013 và thay thế Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 02/11/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Ảnh minh họa

Một số điểm mới của Nghị định 157/2013/NĐ-CP so với NĐ 99/2009/NĐ-CP:

1. Bỏ quy định về việc Nghị định này không áp dụng đối với gỗ nhập khẩu;

2. Bổ sung cụm từ "Kiểm lâm viên" là công chức Kiểm lâm thuộc các ngạch Kiểm lâm biên chế trong lực lượng Kiểm lâm;

3. Bổ sung quy định về cho thuê, cho mượn hoặc thuê người điều khiển phương tiện phải được giao kết bằng văn bản giữa chủ sở hữu hợp pháp và người được thuê, được mượn trước khi hành vi vi phạm xảy ra. Đối với cá nhân cho thuê, cho mượn hoặc thuê người điều khiển thì bản giao kết phải có xác nhận của UBND cấp xã; trong thời hạn 48 giờ kể từ khi phương tiện bị tạm giữ người có hành vi vận chuyển lâm sản trái phép phải xuất trình cho người có thẩm quyền đang thụ lý giải quyết vụ việc.

4. Xác định số lượng đối với lâm sản từ thực vật rừng ngoài gỗ bằng cân trọng lượng là kg;

5. Quy định chuyển XPHC trong trường hợp đã khởi tố vụ án sau đó chuyển lại để XPHC, thì xử phạt về hành vi tương ứng. Ví dụ: Khi khởi tố vụ án về tội " Hủy hoại rừng" theo điều 189 BLHS, sau đó không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, thì khi chuyển sang XPHC sẽ xử phạt về hành vi Phá rừng trái phép.

6. Bổ sung quy định: Trường hợp XPHC mà tang vật gồm nhiều loại gỗ khác nhau, nhiều loại động vật rừng khác nhau, hoặc hành vi vừa vi phạm về gỗ vừa vi phạm về động vật rừng hoặc vừa khai thác trái phép ở rừng sản xuất vừa ở rừng phòng hộ, đặc dụng…

7. Bổ sung quy định về hành vi vi phạm đối với loại rừng đã được đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định phê duyệt quy hoạch cho phép

8. Không quy định chủ rừng được lập biên bản vi phạm mà khi chủ rừng phát hiện vi phạm phải kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử phạt để lập biên bản theo thẩm quyền. Lâm sản trả lại chủ rừng khi: chủ rừng phát hiện bắt quả tang người vi phạm tại lâm phận của mình hoặc chủ rừng không bắt được quả tang người vi phạm, nhưng có đủ căn cứ chứng minh lâm sản thuộc rừng trồng do chủ rừng tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng.

9. Bổ sung quy định xử phạt VPHC đối với thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB, IA

10. Bỏ quy định một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm nối tiếp nhau mà hành vi sau là hậu quả của hành vi trước và khi xử phạt thì xử phạt hành vi có mức phạt cao nhất

11. Đối với tang vật là vật phẩm tươi sống, động vật rừng bị yếu, bị thương không thuộc nhóm IB hoặc lâm sản khác còn tươi không thuộc nhóm IA thì người có thẩm quyền xử phạt tiến hành lập biên bản và tổ chức bán ngay theo giá thị trường địa phương tại thời điểm bán. Tiền thu được gửi vào tài khoản tạm giữ của cơ quan người có thẩm quyền xử phạt mở tại Kho bạc nhà nước. Nếu sau đó, tang vật bị tịch thu theo quyết định của người có thẩm quyền thì sau khi trừ chi phí theo quy định của pháp luật, số tiền còn lại nộp ngân sách nhà nước; trường hợp tang vật không bị tịch thu thì tiền bán tang vật được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.

12.  Bỏ quy định về hành vi cất giấu gỗ tại cơ sở KDCBLS, cất giữ gỗ mà không chứng minh được ai là chủ gỗ thì chủ cơ sở bị xử phạt; trong trường hợp này chỉ tịch thu gỗ. Đối với lâm sản, phương tiện không có người nhận sau thời hạn tìm chủ sở hữu hợp pháp theo quy định của pháp luật, thì tịch thu sung quỹ Nhà nước.

13. Mức tiền phạt đối với tổ chức vi phạm bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng hành vi và mức độ vi phạm.

14. Hành vi nuôi nhốt động vật rừng nhóm IB không bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi vi phạm hành chính đối với các loài thuộc Phụ lục I của Công ước CITES, xử lý như đối với thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA, IB; vi phạm đối với các loài trong Phụ lục II, xử lý như đối với loài thực vật, động động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA, IIB.

15. Hành vi vi phạm đối với lâm sản của chủ rừng do chủ rừng phát hiện thì chủ rừng tiến hành thu thập tài liệu, tang vật và báo cáo kịp thời cho người, cơ quan có thẩm quyền lập biên bản VPHC để xử lý.

16. Đối với khai thác trái phép thực vật rừng, dẫn xuất, bộ phận của chúng (không kể là loại nguy cấp, quý, hiếm hay loại thông thường và khai thác ở loại rừng nào) đều bị xử phạt tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có khung xử phạt tiền tương ứng.

17. Công cụ, phương tiện cơ giới bị tịch thu khi sử dụng để khai thác gỗ thông thường trái phép ở rừng sản xuất từ trên 6 m3; ở rừng phòng hộ từ trên 5 m3; ở rừng đặc dụng từ trên 3 m3. Khai thác trái phép gỗ nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA ở rừng sản xuất từ trên 2 m3; ở rừng phòng hộ từ trên 1,5 m3; ở rừng đặc dụng từ trên 1 m3. Khai thác trái phép gỗ nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA ở rừng sản xuất từ 0,7 m3 trở lên; ở rừng phòng hộ từ 0,5 m3 trở lên; ở rừng đặc dụng từ 0,3 m3 trở lên.

18. Bổ sung hành vi mới: Hành vi vi phạm quy định về trồng rừng mới thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác, thì tùy thời gian, diện tích mà bị xử phạt tiền do chậm trồng rừng mới thay thế hoặc không hoàn thành đúng thời hạn để trồng lại rừng trên diện tích sau khai thác khoáng sản;

19. Bổ sung hành vi mới: Hành vi của tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao, cho thuê đất để trồng rừng bằng nguồn vốn nhà nước đầu tư 100% nhưng thực hiện trồng rừng không đúng quy định: Không có thiết kế, thực hiện không đúng thiết kế, không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng trồng thì tùy theo diện tích vi phạm mà bị xử phạt tiền theo từng khung tương ứng.

20. Không quy định xử phạt đối với hành vi thiếu trách nhiệm của chủ rừng để rừng bị khai thác, bị phá trái phép trên lâm phận của mình được nhà nước giao rừng tự nhiên hoặc rừng trồng bằng vốn ngân sách, vốn viện trợ không hoàn lại.

21. Bổ sung quy định xử phạt thực vật rừng ngoài gỗ loại thông thường, sản phẩm gỗ sau chế biến: Đối với hành vi vận chuyển trái pháp luật là thực vật rừng hoặc bộ phận dẫn xuất của chúng ngoài gỗ; vận chuyển sản phẩm chế biến từ gỗ không hợp pháp, thì tùy theo giá trị tang vật mà có mức phạt tương ứng.

22. Bổ sung quy định về khái niệm: Trái phép và trái pháp luật. Trái phép là chỉ đối với hành vi vi phạm giấy phép được cấp; còn trái pháp luật là đối với hành vi thực hiện trái pháp luật không thuộc trường hợp vi phạm giấy phép được cấp.

23. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Theo quy định tại điều 28 Luật XLVPHC; riêng trong lĩnh vực QLR, BVR, PTR, QLLS bổ sung thêm 3 biện pháp quy định tại điều 4 NĐ 157

24. Tịch thu phương tiện vận chuyển lâm sản trái pháp luật khi: phương tiện không bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép; vi phạm có tổ chức; vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; sử dụng xe 2 ngăn, 2 đáy, 2 mui, xe cải tạo không có đăng ký do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, xe đeo biển số giả; vận chuyển gỗ thông thường từ 1,5 m3 trở lên; gỗ quý hiếm từ 0,5 m3 trở lên; thực vật rừng và bộ phận dẫn xuất của chúng thuộc loài nguy cấp quý hiếm có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên; động vật rừng thông thường và bộ phận của chúng có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên; động vật rừng thuộc loài nguy cấp quý hiếm từ 3 triệu đồng trở lên. Trường hợp vận chuyển 2 loại gỗ trở lên (có cả gỗ thông thường và gỗ quý hiếm) hoặc nhiều loài lâm sản khác nhau ngoài gỗ thuộc loài nguy cấp, quý hiếm, tuy khối lượng của một loại gỗ hoặc giá trị của mỗi loại lâm sản chưa đến mức bị tịch thu phương tiện nhưng tổng khối lượng các loại gỗ từ 1,5 m3 trở lên hoặc giá trị các loại thực vật rừng ngoài gỗ từ 15 triệu đồng trở lên.

25. Hành vi mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh thực vật rừng hoặc bộ phận, dẫn xuất của chúng ngoài gỗ (kể cả thực vật loại thông thường và nguy cấp, quý, hiếm); sản phẩm chế biến từ gỗ không hợp pháp đều bị xử phạt tùy theo giá trị từng loại mà có mức phạt tương ứng.

26. Về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính:

- Là những người có thẩm quyền xử phạt, gồm: Kiểm lâm viên đang thi hành công vụ; Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm; Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm cấp huyện, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ, Đội trưởng Đội KLCĐ & PCCCR; Chi cục trưởng Kiểm lâm cấp tỉnh, Đội trưởng Đội KLĐN Cục Kiểm lâm; Cục trưởng Cục Kiểm lâm; Chủ tịch UBND cấp xã; Chủ tịch UBND cấp huyện; Chủ tịch UBND cấp tỉnh; Thanh tra viên, người được giao nhiệm vụ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ, Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT; Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp; Trưởng Đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ nông nghiệp và PTNT; Trưởng Đoàn thanh tra Tổng cục Lâm nghiệp và cấp Sở được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; những người có thẩm quyền thuộc lực lượng Công an nhân dân; những người có thẩm quyền thuộc Bộ đội Biên phòng; người có thẩm quyền thuộc cơ quan Quản lý thị trường.

- Công chức, viên chức đang thi hành công vụ về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản

- Trường hợp người lập biên bản VPHC là người có thẩm quyền của lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành khi phát hiện VPHC không thuộc thẩm quyền xử phạt của ngành mình thì trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày lập biên bản phải chuyển giao hồ sơ, tang vật, phương tiện VPHC cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt.

27. Mọi trường hợp vi phạm hành chính đều phải được xác định giá trị tang vật làm căn cứ xác định khung tiền phạt và thẩm quyền xử phạt (kể cả lâm sản thuộc loại nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA, IB). 

Tác giả: Nguyễn Văn Vân – Phòng TTrPC
Số lượt đọc : 6459 - Cập nhật lần cuối: 02/12/2013 03:12:37 PM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành