QLBV rừng 23/11/2021:13:53:04
Những kết quả đạt được trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2021

Thanh Hóa có trên 647.107 ha rừng (gồm rừng đặc dụng 80.300 ha, rừng phòng hộ 156.454 ha và rừng sản xuất 410.351 ha), độ che phủ rừng năm 2020 đạt 53,46 %. Trong thời gian qua công tác quản lý bảo vệ rừng được chính quyền từ tỉnh đến các huyện, xã và chủ rừng triển khai thực hiện hiệu quả. Lực lượng Kiểm lâm đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp ban hành đầy đủ hệ thống văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng; tại các địa phương, lực lượng Kiểm lâm thường xuyên bám sát cơ sở, tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng và hướng dẫn nhân dân sử dụng lửa trong sản xuất nương rẫy, xử lý thực bì theo đúng quy định; sự phối hợp giữa chủ rừng với địa phương và các ngành chức năng như: Kiểm lâm, Công an, Quân đội, Biên phòng được tăng cường, công tác đấu tranh, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. Nhờ đó, tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép được ngăn chặn hiệu quả và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trong 10 tháng đầu năm toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 335 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, giảm 45 vụ so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: Hoạt động bảo vệ rừng tại gốc (khai thác, xâm lấn rừng) 79 vụ và hoạt động chống buôn lậu lâm sản 256 vụ. Tịch thu 159,817 m3 gỗ; 52.329 kg gốc, rễ, cành, nhánh; 28,8 ster củi; 11.610 kg lâm sản ngoài gỗ; 02 cưa xăng; chuyển giao Trung tâm cứu hộ Cúc Phương 01 cá thể Cày vòi, trọng lượng 13 kg; tiêu hủy 39,6 kg sản phẩm động vật rừng. Đến thời điểm hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra cháy rừng, an ninh rừng được giữ vững ổn định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại hạn chế, đó là: Tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng vẫn xảy ra; việc chồng lấn, tranh chấp đất rừng giữa hộ gia đình, cá nhân với các đơn vị chủ rừng Nhà nước chưa được giải quyết triệt để; việc xã hội hóa nguồn lực trong công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng còn nhiều hạn chế; ý thức chấp hành pháp luật về BVR, PCCCR của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, đặc biệt một số đối tượng lợi dụng người đồng bào dân tộc thiểu số phá rừng, lấn chiếm rừng để lấy đất sản xuất, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng; bên cạnh đó, một số địa phương chưa thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, lực lượng bảo vệ rừng cơ sở và chủ rừng chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, chậm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên là do nhu cầu về đất sản xuất của nhân dân trên địa bàn ngày một cao, nhu cầu về gỗ trong đóng đồ gia dụng và vật liệu làm nhà lớn đã gây áp lực không nhỏ cho công tác quản lý bảo vệ rừng; diện tích rừng trên địa bàn lớn, địa hình phức tạp trong khi lực lượng Kiểm lâm mỏng chưa đủ quân số theo quy định; nguồn lực đầu tư cho lực lượng kiểm lâm, chủ rừng, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng. Ngoài ra do tác động tiêu cực của dịch bệnh CoVid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai và tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn.

Theo dự báo, trong thời gian tới do biến đổi khí hậu ngày càng tác động rõ nét đến sản xuất lâm nghiệp, thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài và diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao; nhà nước tiếp tục chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên nên việc khai thác chính, khai thác tận dụng, tận thu lâm sản, cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt để trồng rừng sản xuất bị nghiêm cấm, người dân không được hưởng lợi ích từ rừng, trong khi nhu cầu gỗ làm nhà và gỗ gia dụng ngày càng tăng, đời sống của một bộ phận người dân miền núi còn khó khăn, sẽ gây áp lực và tác động bất lợi đối với công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn.

Để khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp, cụ thể như sau:

Tiếp tục thực hiện quyết liệt các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác BVR, PCCCR; trong đó trọng tâm là Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối vối công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời ban hành đầy đủ hệ thống văn bản để chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác BVR, PCCCR.

Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước của các cấp chính quyền về công tác quản lý bảo vệ rừng; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm cá nhân phụ trách để triển khai thực hiện tốt công tác quản lý BVR, PCCCR ở địa phương, đơn vị.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ rừng; thấy rõ được vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu; coi công tác quản lý, bảo vệ rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhất là đối với các địa phương có diện tích rừng lớn, nguy cơ mất rừng cao.

Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng tại gốc, quản lý hiệu quả gỗ làm nhà, cưa xăng, súng săn tại các địa bàn trọng điểm, các cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản trên địa bàn; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra an ninh rừng, kiểm tra công tác PCCCR để chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các vụ vi phạm về quản lý BVR, PCCCR và quản lý lâm sản theo đúng quy định nhằm giữ vững ổn định an ninh rừng trên địa bàn./.

Một số hình ảnh về công tác BVR, PCCCR


Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang kiểm tra công tác BVR, PCCCR tại huyện Hà Trung

 Giám đốc Sở NN&PTNT Cao Văn Cường kiểm tra công tác BVR, PCCCR tại Nghi Sơn

 

Phối hợp tuyên truyền BVR, PCCCR và tuần tra, kiểm tra an ninh rừng 

Tác giả: Lê Xuân Cải - TP Quản lý Bảo vệ rừng
Số lượt đọc : 758 - Cập nhật lần cuối: 23/11/2021 01:11:04 PM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành