SD&PT rừng 06/11/2020:14:45:59
Hồi nhớ buổi họp trồng rừng
“Họp trồng rừng” là cụm từ phổ biến chúng tôi thường dùng trong thời gian công tác tại huyện Mường Lát; thời gian thực hiện nhiệm vụ của Đoàn chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội huyện Mường Lát từ năm 2011 – 2016 (Đoàn chỉ đạo Mường Lát). Nhiệm vụ chính của Đoàn chúng tôi là giúp, hỗ trợ huyện Mường Lát phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp, chăn nuôi; trong đó trồng rừng là nhiệm vụ lớn nhất, khó khăn và nan giải nhất.

 

Để triển khai thực hiện kế hoạch trồng rừng, tỉnh đã chỉ đạo, thành lập, giao nhiệm vụ 10 ban quản lý dự án trồng rừng; Đoàn chỉ đạo đã phối hợp với các Sở, ngành tổ chức tập huấn, hướng dẫn 10 BQL dự án trồng rừng triển khai thực hiện nhiệm vụ. Xác định lực lượng trồng rừng là nhân dân 6 dân tộc huyện Mường Lát: Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú, Kinh. Như vậy để thay đổi suy nghĩ, việc làm của đồng bào dân tộc thiểu số từ truyền thống khai thác vốn rừng tự có để sinh sống sang việc gùi, bế cây lên núi trồng rừng là một quá trình không dễ dàng, ngay trong suy nghĩ, nhận thức đến việc làm! Do vậy bước công việc trước tiên phải làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức của đồng bào đối với công tác trồng rừng; phải tổ chức họp dân, vận động, giải đáp, giúp dân hiểu, thông về lợi ích trồng rừng; đây là nhiệm vụ thường xuyên của 10 BQL dự án, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Lát. Nhưng khi tổ chức họp bản tuyên truyền, vận động trồng rừng có bản thuận lợi, có bản khó khăn, có bản rất khó khăn do nhiều nguyên nhân (ngôn ngữ, nhận thức, địa hình, đường đến bản mùa mưa…). Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ họp bản, Đoàn chỉ đạo đảm nhận họp dân ở những bản khó khăn, xác định thời gian tổ chức họp bản hiệu quả vào buổi đêm, do đồng bào đi làm ban ngày.

Cán bộ Đoàn chỉ đạo Mường Lát đi họp trồng rừng.

Một trong những bản khó khăn đó là bản Cá Nọi, xã Pù Nhi, 100% đồng bào Mông sinh sống. Sau thời gian đấu mối, thống nhất thời gian họp bản Cá Nọi, Đoàn chỉ đạo giao anh Trịnh Kỹ Vịnh kỹ sư Nông nghiệp, là cán bộ địa bàn xã Pù Nhi và anh Hoàng Lâm Tùng Thạc sỹ Lâm nghiệp đến họp bản. Những hôm đi họp tối, chúng tôi ăn cơm chiều sớm, chuẩn bị dụng cụ, đi xe máy đến bản. Đường từ đơn vị tại thị trấn Mường Lát đến bản Cá Nọi khoảng 15 km, trong đó đoạn đường từ UBND xã Pù Nhi lên bản khoảng 6 km là đường đất, dốc, hẹp, trơn, tối; mỗi người đi 1 xe máy. Nói thêm về trồng rừng huyện Mường Lát vào mùa thu, do mùa xuân không có mưa; việc tổ chức trồng rừng tiến hành sau thời gian có mưa, đường đi lại đến các xã, bản rất khó khăn, rất trơn trượt. Buổi tối đó có đ/c Ngọc - Bộ đội Biên phòng Đồn Pù Nhi, 1 cán bộ UBND xã Pù Nhi cùng đến tham dự. Chúng tôi đi ngược dốc lên bản, hết đoạn dốc này đến đoạn dốc khác, đất dính đầy bánh xe, đi 1 đoạn dừng gỡ đất rồi đi tiếp. Đến đầu bản để xe máy lại bờ đường, tiếp tục đi bộ lên dốc, vào nhà trưởng bản Hơ Chứ Hơ, lúc này khoảng 18 giờ, trời đã tối, vẫn chưa thấy trưởng bản, chưa thấy người lớn; gặng hỏi trẻ nhỏ nói bố “đi làng” (đi làm) chưa về. Trong nhà trưởng bản chỉ có 1 bóng điện chạy máy phát điện nước mini, tối như bóng 7W. Trong thời gian chờ đợi, 1 người chủ động đi nấu nước uống; khoảng 19 giờ, trưởng bản Hơ về nhà, trưởng bản thông báo loa phát thanh giục dân bản đến họp; đến 20 giờ thấy 3 người là cán bộ bản đến, dân không đến họp à? Chúng tôi tiếp tục chờ đợi và phải chờ, vì đã cất công đến bản. Trưởng bản tiếp tục loa giục nhiều lần, đến khoảng 22 giờ, dân bản đến dự khoảng 55 người, buổi họp tiến hành.

Họp trồng rừng bản Thái

Trưởng bản Hơ Chứ Hơ giới thiệu, nêu lý do họp bản khoảng 10 phút bằng tiếng Mông; tiếp đó Bí thư chi bộ bản tiếp tục nói bằng tiếng Mông khoảng 10 phút; tiếp đó kỹ sư Trịnh Kỳ Vịnh hướng dẫn, giải đáp một số ý kiến của bà con, gợi ý bà con tích cực hỏi, thắc mắc về trồng rừng, hỗ trợ gạo trồng rừng, cấy lúa nước, chăn nuôi bò…Nhận thấy chiều hướng buổi họp sôi nổi, đang dần tích cực, đ/c Vịnh giới thiệu đ/c Tùng chuyên trách về trồng rừng, giái đáp mọi ý kiến của nhân dân. Điều vui mừng và mong được đền đáp tại buổi họp là dân bản Mông im lặng nghe cán bộ giải đáp, hướng dẫn; có tới 15 ý kiến của dân, có cả phụ nữ Mông hỏi, quan tâm về trồng rừng, về hỗ trợ gạo trồng rừng, lần lượt đăng kí trồng rừng.

Họp giải quyết đất trồng rừng

Buổi họp tối và đăng kí trồng rừng cuốn hút đến khi kết thúc khoảng 1 giờ 00 phút sáng hôm sau, không ngờ buổi họp muộn quá vậy! Bù lại đã được 45 hộ đăng kí trồng rừng 60 ha. Ngày đó tâm lý chúng tôi cứ đi họp trồng rừng, có hộ đăng kí trồng rừng là vui lắm, là thành công đến 50 % rồi.

Mấy đồng chí cán bộ chào bản xin về - Ô chưa được đâu, Trưởng bản, Bí thư bản trả lời. Họ lấy ra 1 chai rượu trắng, lấy cái khăn lau sẫm màu dưới gầm bàn, lau lại mấy cái chén to uống nước, rót rượu ngô mời cán bộ uống, cảm ơn cán bộ, uống xong mời về; hết 1 chén, lại ồ không nên đi lẻ, phải đi 2 chân, vậy là được và phải uống 2 chén rượu ngô mới được ra về (không uống thì ngủ lại bản).

Đi về trên đường đất trơn, xuôi dốc mới thực sự nguy hiểm, rất nguy hiểm vì trời quá tối, nhiều xương mù, chúng tôi không thấy rõ đường, tầm nhìn xa khoảng 5-10 m; chúng tôi dịch chuyển chậm rãi, có lúc bánh xe máy láng ra sát taly âm, sơ xuất nhỏ là văng cả người, xe xuống vực! Cứ như vậy chúng tôi đánh vật quãng đường 6 km, trời tối lạnh mà mồ hôi ra ướt hết áo; khoảng 2 giờ sáng, ra đến UBND xã Pù Nhi. Chúng tôi về đơn vị khoảng 2 giờ 20 phút, nhớ mãi kỷ niệm buổi tối đi họp bản trồng rừng./.

 

 
Tác giả: Hoàng Lâm Tùng
Số lượt đọc : 899 - Cập nhật lần cuối: 06/11/2020 02:11:59 PM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành