QLBV rừng 19/11/2018:09:53:51
Vai trò của rừng đối với môi trường sống của chúng ta!
Như chúng ta đã biết, rừng là hệ sinh thái giữ vai trò chủ đạo trong mối quan hệ tương tác giữa thực vật, động vật với môi trường. Rừng có vai trò rất quan trọng đối với đời sống con người và môi trường sinh thái: Cung cấp lâm sản cho nền kinh tế quốc dân; điều hòa, tạo ra oxy, điều hòa nước, rừng lưu giữ tài nguyên và các nguồn gen động thực vật quý hiếm. Đồng thời có tác dụng quan trọng bảo vệ và ngăn chặn gió bão, chống xói mòn đất, đảm bảo cho sự sống, bảo vệ sức khỏe của con người…

Tác dụng về Môi trường và phòng hộ: Độ che phủ rừng của một quốc gia là một chỉ tiêu môi trường quan trọng. Các quốc gia trên thế giới, chúng ta điều biết rõ vai trò, tầm quan trọng của rừng trong cuộc sống. Tuy nhiên, ngày nay, một số nơi chưa thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, sử dụng tài nguyên rừng chưa hợp lý, còn chặt phá bừa bãi. Tài nguyên, chất lượng rừng có biểu hiện suy giảm, một số khu vực không thể tái sinh được, trở thành đồi núi trọc, sa mạc, nước mưa tạo thành những dòng lũ rửa trôi chất dinh dưỡng, gây lũ lụt, sạt lở cho vùng đồng bằng gây thiệt hại nhiều về tài sản, tính mạng người dân...

Rừng tự nhiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên 

Ngoài ra rừng có tác dụng hấp thụ CO2, lưu giữ Các bon và cung cấp O2. Đặc biệt ngày nay khi hiện tượng nóng dần lên của trái đất do hiệu ứng nhà kính, vai trò của rừng trong việc giảm lượng khí CO2 là đặc biệt quan trọng. Rừng có vai trò điều hòa nguồn nước giảm dòng chảy bề mặt chuyển nó vào lượng nước ngấm xuống đất và vào tầng nước ngầm. Khắc phục được xói mòn đất, hạn chế lắng đọng lòng sông, lòng hồ, điều hòa được dòng chảy của các con sông, con suối. Ngoài ra Rừng có vai trò rất lớn trong việc chống cát bay ven biển, che chở cho vùng đất bên trong nội địa, rừng bảo vệ đê biển, cải tạo vùng chua phèn, cung cấp gỗ, lâm sản, Rừng nơi cư trú của rất nhiều các loài động vật, vị sinh vật. Động vật rừng nguồn cung cấp thực phẩm, dược liệu, nguồn gen quý, da lông, sừng thú là những mặt hàng xuất khẩu có giá trị.

Vai trò về kinh tế: Lâm nghiệp là một ngành sản xuất vật chất đặc thù. Nói đến lâm nghiệp trước hết phải nói đến vai trò của rừng trong nền kinh tế quốc dân và trong đời sống xã hội. Trong luật Lâm nghiệp ghi "Rừng là tài nguyên quý báu của đất nước, có khả năng tái tạo là bộ phận quan trọng của môi trường sinh thái, có giá trị to lớn, góp phần quan trọng phát triển nền kinh tế bền vững, giữa kinh tế và môi trường, gắn liền với đời sống của nhân dân với sự sống còn của dân tộc".

Vai trò cung cấp: Rừng cung cấp lâm sản, đặc sản cây công nghiệp phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng xã hội, trước hết là gỗ và lâm sản ngoài gỗ; Thực vật là đặc sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; Nguyên liệu cho công nghiệp nông nghiệp, xây dựng cơ bản; Cung cấp dược liệu quý phục vụ nhu cầu chữa bệnh và nâng cao sức khỏe cho con người; Cung cấp lương thực, nguyên liệu chế biến thực phẩm... phục vụ nhu cầu đời sống xã hội…

Khu rừng tại huyện Như Xuân, Thanh Hóa

Thanh Hoá có diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng 647.6771,11 ha (chiếm trên 58,2% diện tích tự nhiên), trong đó có rừng 598.573,51 ha, độ che phủ 53,03% (năm 2017). Những nguy cơ xâm hại tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian gần đây, đó là:

Các nguy cơ xâm hại tài nguyên rừng, gồm: Chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật; Săn, bắn, bắt, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng; Vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; Khai thác trái pháp luật tài nguyên khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên, môi trường rừng; Mua, bán, vận chuyển, kinh doanh lâm sản trái với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Kết quả xử lý vi phạm về lĩnh vực bảo vệ rừng bình quân/năm gần đây trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa: Xử lý trên 300 vụ vi phạm về Luật bảo vệ và Phát triển rừng; thu nộp ngân sách nhà nước hàng năm trên 3,0 tỷ đồng, gồm các hành vi xâm hại tài nguyên rừng: Phát rừng làm rẫy, trồng rừng; khai thác gỗ rừng tự nhiên là nhà ở; săn bắn bẩy bắt động vật rừng trái phép...

Nguyên nhân chính: Năng lực quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của chính quyền cơ sở còn yếu. Một số chủ rừng nhà nước (là tổ chức) quản lý diện tích rừng lớn, nhưng không có khả năng bảo vệ, để rừng bị khai thác trái phép, trong khi đó nhân dân thiếu đất sản xuất, dẫn đến có sự xung đột giữa người dân với chủ rừng là tổ chức nhà nước.

Kinh phí đầu tư, chính sách đối với người dân làm nghề rừng đặc biệt là người trực tiếp làm công tác BVR, PCCCR, tham gia CCR chưa được quan tâm đúng mức; mặt khác cơ chế chính sách của Nhà nước thông thoáng trong lưu thông lâm sản, tạo kẽ hở cho đối tượng buôn lậu lâm sản lợi dụng, khó kiểm soát. Các đối tượng khai thác, phá rừng, buôn bán, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh.

Để thực hiện tốt việc bảo vệ, phát triển rừng gắn với bảo vệ môi trường, cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp đó là:

Giải pháp về tuyên truyền: Tập trung tuyên truyền làm rõ những việc được làm, không được làm, quyền lợi, trách nhiệm của các cấp, các ngành, chủ rừng, nhân dân theo quy định của pháp luật về BVR, PCCCR, PTR để biết và thực hiện.

Giải pháp quản lý bảo vệ rừng: Bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng hiện có, nghiêm cấm mọi hành vi xâm hại tài nguyên rừng (thực hiện quản lý theo quy chế các loại rừng đã được ban hành). Gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân địa phương, đồng bào dân tộc miền núi, biên giới, nhất là cho người dân làm nghề rừng. Đẩy mạnh xã hội hoá, có cơ chế, khuyến khích, tạo thuận lợi cho người dân và các thành phần kinh tế cùng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Giải pháp về chính sách: Nghiên cứu, đề xuất và áp dụng chính sách khuyến khích trồng rừng sản xuất như: Giảm lãi xuất vốn vay, hỗ trợ cây giống, hỗ trợ kỹ thuật... cho tổ chức, cá nhân, tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Có chính sách thu hút xây dựng các dự án bảo vệ và phát triển rừng cho 3 loại rừng để kêu gọi vốn ODA và các nguồn vốn khác, cơ chế chính sách thông thoáng đủ sức thu hút nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

Giải pháp về phát triển nguồn lực: Coi trọng giáo dục đào tạo nâng cao trình độ cho lực lượng lao động trẻ, đặc biệt là bồi dưỡng kiến thức canh tác trên đất dốc cho cộng đồng. Đào tạo những cán bộ có trình độ khoa học, công nghệ, trình độ kinh doanh, quản lý và có khả năng sáng tạo trong các cơ quan, Công ty để phục vụ cho sự phát triển lâm nghiệp của tỉnh.

Giải pháp về hoàn thiện cơ sở pháp luật và các chỉ tiêu về môi trường: Rà soát, bổ sung hoàn chỉnh, đầy đủ các quy định của pháp luật về môi trường phù hợp với thực tế ở địa phương để triển khai thực hiện.

- Hoàn thiện và tổ chức giám sát tốt các Chỉ số theo Công văn số 5758/BTNMT-TCMT, ngày 22/10/2018, như Chỉ số 18 về tỷ diện tích đất cho các khu bảo tồn trên tổng diện tích đất quy hoạch cho bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Chỉ số 19 tỷ lệ diện tích rừng trồng mới tập trung trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp; Chỉ số 20, tỷ lệ diện tích rừng tự nhiện bị cháy, bị chặt phá, chuyển đổi mục đích trên tổng diện tích có rừng.

 Giải pháp về khoa học kỹ thuật: Tiếp tục đổi mới toàn diện các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và khuyến nông. Ứng dụng công nghệ gen, công nghệ tế bào để tạo các giống cây ưu việt trong lĩnh vực phát triển rừng; Phổ biến công nghệ viễn thám với các phương tiện hiện đại như GIS, GPS, Laser trong điều tra rừng, quản lý và bảo vệ; Ứng dụng công nghệ chặt hạ gắn với xử lý kích thước sản phẩm, sử dụng công nghệ tin học tối ưu quá trình vận chuyển; Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ, công nghệ vật liệu thay thế gỗ; Ứng dụng các công nghệ Nano, làm mềm xenlulo trong lĩnh vực chế biến bảo quản gỗ.

Giải pháp về chế tài xử lý: Ðể tăng cường bảo vệ rừng, các lực lượng chức năng cần kiểm tra, xác minh làm rõ và có các biện pháp ngăn chặn kịp thời đối với những địa phương để xảy ra vi phạm nhiều về phá rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trái pháp luật, xử lý thật nghiêm đối với hành vi phá rừng. Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quán triệt và triển khai đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành và kiểm tra, giám sát công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện quyết liệt sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Ðảng tại Chỉ thị số 13-CT/TW (ngày 12/01/2017) về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng./. 

Xem thêm Video tại:

 

 

Tác giả: Trịnh Đăng Tình
Số lượt đọc : 10110 - Cập nhật lần cuối: 19/11/2018 09:11:51 AM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành