QLBV rừng 08/11/2017:09:53:06
Người nông dân gắn bó với rừng giữa đồng bằng
Hoằng Hóa là huyện đồng bằng ven biển, nằm ở phía đông của tỉnh Thanh Hóa, có địa hình tương đối đa dạng. Địa bàn huyện có hơn 1.200ha rừng và đất lâm nghiệp, chủ yếu là diện tích rừng trồng thông, keo, bạch đàn từ năm 1992 cho đến nay. Hoạt động kinh tế của các hộ dân trên địa bàn chủ yếu là kinh doanh dịch vụ, du lịch, thương mại và nông nghiệp, thu nhập từ kinh tế lâm nghiệp gần như là không đáng kể.

Trong những năm gần đây, nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo của cấp Ủy, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự tham gia vận động, tuyên truyền của lực lượng Kiểm lâm đã góp phần làm cho nhận thức của nhiều chủ rừng chuyển biến hết sức tích cực, nhiều chủ rừng trước đây gần như bỏ mặc diện tích rừng được giao để tìm một công việc mưu sinh, nay cũng đã nhận thức và quan tâm hơn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong đó phải kể đến hộ gia đình anh Nguyễn Hữu Xoan, thôn Xuân Phú, xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa.

Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, năm 1996, gia đình anh Xoan đã tự khai hoang, bỏ vốn gây trồng 28ha rừng thông, keo trên diện tích đất trống, đồi núi trọc. Sau nhiều năm trồng rừng, từ mảnh đất khô cằn sỏi đá trước đây nay đã thành những khu rừng bạt ngàn xanh tốt. Để giữ được diện tích rừng của gia đình, anh nông dân Nguyễn Hữu Xoan đã gặp vô vàn những khó khăn, trăn trở.

Chia sẻ với Hạt Kiểm lâm Ven Biển chúng tôi, anh cho biết: “Trước đây, gia đình anh, mà cụ thể là đời bố anh, theo chính sách của nhà nước đã mua cây về trồng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, phải trồng đi, trồng lại đến 3 lần mới thành rừng, nhưng sau nhiều năm không có thu hoạch, cây chậm phát triển, đời bố anh cũng mất, giao lại diện tích rừng cho anh quản lý bảo vệ, tuy nhiên đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, nên cũng có những lúc gia đình anh cũng muốn bỏ mặc để đi làm kinh tế. Mỗi ngày hai vợ chồng đi đổ bê tông trộn hoặc ươm vườn hoa giống bán Tết cũng có thu nhập từ 400.000 đồng – 500.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, sau khi được Hạt Kiểm lâm Ven Biển tuyên truyền, vận động, gia đình anh đã tiếp tục quan tâm, đầu tư kinh phí cho công tác bảo vệ rừng. Có những lúc khó khăn, đối diện với nguy cơ mất trắng do cháy rừng, anh đã phải chi tiền công cho 10 lao động để ngăn chặn lửa cháy lan từ Hậu Lộc sang. Hằng năm, 2 vợ chồng và 2 người con của anh thường xuyên lên rừng để phát dọn lại những đường băng cản lửa, mượn máy cắt thực bì của Hạt Kiểm lâm và tự mua xăng dầu để phát dọn thực bì dưới tán rừng”.

Gia đình anh Xoan làm giảm vật liệu cháy dưới tán rừng Thông

Trao đổi với Lãnh đạo UBND xã Hoằng Xuân, ông Trịnh Xuân Hoàn – Chủ tịch UBND xã Hoằng Xuân cho biết: Gia đình anh Xoan là gia đình tiêu biểu của cả xã về công tác bảo vệ rừng. Trong quá trình địa phương triển khai các phương án, kế hoạch bảo vệ rừng, PCCCR, gia đình anh Xoan đều triển khai đi đầu, không đợi UBND xã phải đôn đốc, gia đình anh đã có ý thức trách nhiệm rất cao. Để kịp thời động viên cho gia đình, hằng năm chính quyền địa phương cũng đã khen thưởng cho gia đình anh bằng nhiều hình thức như: Xét công nhận gia đình văn hóa, tặng thưởng giấy khen của Hội nông dân về những đóng góp của anh đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng của gia đình nói riêng và của toàn xã nói chung.

Ông Trịnh Xuân Hoàn, Chủ tịch UBND xã Hoằng Xuân trao đổi về công tác bảo vệ rừng 

Trăn trở với chúng tôi, anh Xoan cho biết: “Mặc dù được chính quyền địa phương và cơ quan Kiểm lâm hết sức quan tâm, gia đình tôi cũng luôn cố gắng để duy trì công tác bảo vệ rừng, tuy nhiên công sức bỏ ra rất lớn nhưng thu nhập đến giờ vẫn chưa thực sự ổn định, nhiều lần gia đình xin khai thác cây bạch đàn và Keo để bán nhưng vì đường đi lại không thuận tiện, khai thác khó khăn, cây kém phát triển nên thương lái trả giá quá thấp, chủ yếu mua làm củi nên gia đình chưa muốn bán, đầu ra cho sản phẩm cũng là một vấn đề. Năm 2016, gia đình anh có đơn xin khai thác nhựa thông và được UBND huyện Hoằng Hóa đồng ý phương án khai thác nên gia đình mới có kinh phí để bù đắp”. Anh cũng cho biết thêm: “ở giữa đồng bằng này, trong khi nhiều người đi làm cho các nhà máy, xí nghiệp để có thu nhập ổn định thì bản thân tôi lại luôn loay hoay với công tác bảo vệ rừng một phần vì hy vọng có nguồn thu nhập ổn định, nhưng cái chính là để con cháu sau này có thể thấy được thành quả của ông cha để lại, môi trường của địa phương được cải thiện và xanh mát”.

Thiết nghĩ, trong nền kinh tế thị trường có những biến đổi lớn về nền sản xuất hàng hóa, thu nhập từ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ chiếm tỷ trọng rất lớn thì nhìn lại nền sản xuất nông nghiệp ngày càng mai một, nông dân bỏ ruộng, những cánh đồng thay bằng những nhà máy thì việc vận động được những người dân gắn bó với rừng ở vùng đồng bằng đã là một thành tích đáng kể.

Sau nhiều năm thực hiện vận động công tác bảo vệ rừng, PCCCR, chúng tôi nhận thấy, để công tác bảo vệ rừng, PCCCR mang lại hiệu quả thiết thực, công tác dân vận, tuyên truyền đến người dân thực sự đóng vai trò hết sức quan trọng, nhưng đi kèm với nó phải là những chủ trương, chính sách mở, cơ chế quản lý phù hợp, có nhiều ứng dụng khoa học trong giống cây trồng, tạo đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân giảm bớt các thủ tục quản lý rườm rà, để một ngày nào đó người dân có thể trồng rừng như trồng lúa và thực sự sống được bằng nghề rừng, ngày đó rừng mới thực sự phát triển bền vững, đó mới là chủ trương, chính sách lớn nhất của Đảng và Nhà nước.

Tác giả: Lê Văn Hồng
Số lượt đọc : 1040 - Cập nhật lần cuối: 08/11/2017 09:11:06 AM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành